Nếu nhìn một cách tổng quát, toàn diện, trên cơ sở so sánh với các địa phương khác và các tiêu chuẩn môi trường quốc gia, có thể nói, các thành phần môi trường cơ bản về đất, nước, không khí và các hệ sinh thái của Thừa Thiên Huế đều đang trong tình trạng tốt.

Nhờ thực hiện nhiều biện pháp tích cực về chuyên môn cũng như tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, môi trường sống ở thành phố, trung tâm đô thị và các khu vực dân cư tập trung về cơ bản vẫn được giữ được môi trường đảm bảo. Chất lượng cũng như tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch ngày một tăng. Hệ thống bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh trong toàn tỉnh được quy hoạch lại theo hướng sử dụng những công nghệ mới. Các khu bảo tồn thiên nhiên, khu du lịch sinh thái đang hình thành và phát triển. Độ che phủ rừng được giữ và tăng cao. Phong trào thanh niên tình nguyện BVMT, toàn dân tham gia Ngày Chủ nhật xanh… phát triển mạnh, tạo mạng lưới rộng khắp và là mô hình của quốc gia.

Tuy nhiên, quá trình phát triển đang nảy sinh nhiều vấn đề đáng lo ngại đối với môi trường, nhất là khi công nghiệp, dịch vụ đang trên đà phát triển nhưng lại thiếu quy hoạch đồng bộ. Cùng với đó là quá trình đô thị hóa, tình trạng đói nghèo, các thảm họa do thiên tai và những diễn biến xấu về khí hậu toàn cầu đang gây áp lực lên tài nguyên và môi trường, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của địa phương.

Theo kết quả chất lượng môi trường không khí được quan trắc tại Trạm Quan trắc tự động và liên tục môi trường không khí TP. Huế định kỳ trong thời gian gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường ghi nhận được, thông số bụi PM2.5 nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí xung quanh. Có nghĩa, không khí trên địa bàn về cơ bản còn trong lành. Tuy nhiên, ở khu vực đô thị và các khu công nghiệp đã bắt đầu có hiện tượng ô nhiễm bụi và ô nhiễm tiếng ồn với hàm lượng bụi lơ lửng trong không khí và tiếng ồn tại khu vực các chợ và nút giao thông vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 2 đến 3 lần; ô nhiễm khí thải xuất hiện xung quanh một số cơ sở sản xuất.

Về môi trường nước mặt của các con sông chính, nhất là sông Hương, môi trường nước đầm phá, môi trường nước các hồ, ao, theo kết luận của các công trình nghiên cứu chất lượng nước sông Hương hơn 10 năm trước và từ kết quả quan trắc chất lượng nước tại Trạm Quan trắc môi trường nước tự động, cố định trên sông Hương định kỳ thời gian gần đây cho thấy, một vài thông số quan trọng dao động ở mức tốt và đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt. Nhưng ở một số điểm có nguồn nước thải lớn như chợ Đông Ba, chợ đầu mối Phú Hậu… có các thông số như chất rắn lơ lửng (SS), nhu cầu ô xy hóa học (COD), nhu cầu ô xy sinh hóa (BOD), coliform vượt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm cục bộ.

Chất lượng nước và tình trạng ô nhiễm nước đầm phá Tam Giang- Cầu Hai bắt đầu xuất hiện tình trạng ô nhiễm chất hữu cơ và nguy cơ xảy ra hiện tượng phú dưỡng ở một số vùng đầm phá có nuôi trồng thủy sản với mật độ lớn.

HOÀI NGUYÊN