Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là một nghị quyết lớn Trung ương ban hành riêng cho tỉnh. Như vậy, xác định nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh sắp tới là phải đạt được mục tiêu nâng lên thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, mong muốn của lãnh đạo và Nhân dân đặt ra là cần đạt được sớm hơn vào năm 2021. Thời gian không chờ so với một “núi” công việc. Đó mới là tiêu chí “nâng cấp” lên thành phố, còn định hướng xa hơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa Thừa Thiên Huế để trở thành trung tâm Festival, trung tâm du lịch, văn hóa, y tế chuyên sâu thì cả hệ thống chính trị còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

 Trong khối lượng công việc lớn cần làm thì con người là yếu tố quyết định. Cán bộ trong các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể là chủ thể quan trọng. Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ tham mưu, thực hiện phải là nhân tố quyết định bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương. Nói vậy để cán bộ các ngành cần năng động, nhạy bén, linh hoạt trong mọi công việc. Không cho phép đủng đỉnh chờ cấp trên chỉ đạo, chờ hướng dẫn, chờ rót vốn…mà phải chủ động để giải quyết công việc nhanh và hiệu quả nhất.

Trong cơ quan quản lý nhà nước hiện nay, vẫn có nhiều cán bộ dường như chưa nắm rõ Nghị quyết 54, xem cơ quan và công việc của mình không có liên quan. Nếu mỗi người, mỗi cơ quan trì trệ, không đổi mới phong cách sẽ ảnh hưởng không nhỏ tiến độ chung. Trong Chương trình hành động 69-Ctr/TU ngày 3/2/2020 của Tỉnh ủy đã nêu rõ: “Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể, địa phương phải kiên định với mục tiêu đã đề ra với quyết tâm chính trị cao nhất. Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thử thách”.

Một trong những chỉ tiêu mà Nghị quyết 54 đặt ra là “phấn đấu cân bằng ngân sách vào năm 2025”. Điều đó đòi hỏi phải có sự quyết tâm rất lớn của tất cả các ngành, địa phương trong tỉnh. Cùng với nội lực thì một yêu cầu không thể thiếu là kêu gọi, thu hút đầu tư từ bên ngoài. Bên cạnh các dự án ODA, FDI của nước ngoài thì một nguồn có tiềm năng là các nhà đầu tư có tiềm lực trong nước.

Thừa Thiên Huế có lợi thế về di tích, di sản thế giới, cảnh quan thiên nhiên, nhưng chưa thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế mạnh. Lợi thế về cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, nhiều khu công nghiệp nhưng các “ông chủ lớn” chưa mặn mà đầu tư là một hạn chế của chúng ta. Đó là câu hỏi lớn cần phải được đặt ra, lý giải.

Tỉnh cần phải xúc tiến kêu gọi, thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức đa dạng hơn nữa. Không thể ngồi chờ bên ngoài đến “xin” mà chúng ta phải chủ động “cho” bằng cơ sở hạ tầng, bằng đơn giản hóa thủ tục hành chính và cả cơ chế ưu đãi. Kêu gọi đầu tư không thể chỉ có lãnh đạo tỉnh chạy đôn chạy đáo mà huy động các ngành, các cá nhân vào cuộc. Không ít người quê ở Thừa Thiên Huế đang sinh sống, làm ăn tại các địa phương khác, kể cả ở nước ngoài có tiềm lực mạnh nhưng chúng ta chưa chủ động khai thác. Không chỉ kêu gọi mang danh nghĩa Nhà nước mà cả bằng tình cảm cá nhân, khơi dậy tấm lòng của họ trở về cội nguồn. Quan trọng nhất là phải thực sự trải thảm, không thể chấp nhận kiểu “trên trải thảm, dưới rải đinh”, nhũng nhiễu, gây khó dễ. Cán bộ trực tiếp cần có cái tâm vì công việc chung, đừng vì một vài quyền lợi nhỏ nhặt cá nhân mà làm ảnh hưởng đến thiện cảm của nhà đầu tư…

Thừa Thiên Huế đã một lần “lỡ chuyến đò” lên thành phố trực thuộc Trung ương của những năm 90 thế kỷ trước. Thừa Thiên Huế cũng đã “lỡ một nhịp” theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị cách đây 2 nhiệm kỳ. Đến lúc này không được phép chúng ta chậm chân hơn nữa khi Trung ương đã “bật đèn xanh” bằng Nghị quyết 54, đã có một cơ chế, chính sách đặc thù.

NGUYỄN AN HÒA