Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà, tại buổi duyệt nội dung, nhân sự Đại hội vào trung tuần tháng 9/2020, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cho ý kiến về nội dung văn kiện, đề án nhân sự và đánh giá dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự của Thừa Thiên Huế được chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, trách nhiệm, có tính khái quát cao, sát với thực tiễn, đúng quy trình, quy định theo yêu cầu Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị và các hướng dẫn của Trung ương.
Công tác chuẩn bị nhân sự là khâu hết sức quan trọng. Ông có thể cho biết, công tác này được chuẩn bị như thế nào?
Các bước chuẩn bị Đại hội đến nay đều cơ bản hoàn tất, trong đó, bước quan trọng nhất là việc hoạch định hướng đi cho 5 năm tới và công tác chuẩn bị nhân sự. Phải khẳng định rằng, chuẩn bị tốt công tác nhân sự là khâu quan trọng nhất để lãnh đạo toàn diện sự phát triển của tỉnh nhà trong nhiệm kỳ mới.
Để chuẩn bị tốt nội dung này, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung làm tốt công tác đánh giá cán bộ và chỉ đạo rà soát quy hoạch cán bộ, lấy quy hoạch cấp ủy làm cơ sở để quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng hết sức coi trọng về tiêu chuẩn và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đối với các lĩnh vực và địa bàn trọng yếu, nhằm lãnh đạo hoàn thành thắng lợi mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Có ý kiến cho rằng, tỷ lệ nữ, tỷ lệ cán bộ trẻ để giới thiệu vào Ban Chấp hành khóa mới còn ít, thưa ông?
Thực ra, cán bộ nữ được giới thiệu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần này đạt trên 15% là bảo đảm theo yêu cầu Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị.
Về tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia Ban Chấp hành chưa bảo đảm tỷ lệ đạt 10% trở lên theo yêu cầu Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, nhưng sẽ không ảnh hưởng lớn đến chất lượng của Ban Chấp hành; vì các đồng chí được giới thiệu đưa vào Ban Chấp hành lần này có năng lực, được đào tạo, rèn luyện từ cơ sở, kinh qua thực tiễn và được lựa chọn bảo đảm theo các yêu cầu, quy trình, quy định theo Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị; Hướng dẫn 26 của Ban Tổ chức Trung ương và Hướng dẫn 08 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác nhân sự.
Như ông đã cho biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao về công tác chuẩn bị Đại hội của Đảng bộ tỉnh. Để có được kết quả đó, Đảng bộ tỉnh đã xây dựng dự thảo Báo cáo Chính trị bám sát vào tinh thần nào là chủ yếu?
Đảng bộ tỉnh đã chú trọng và dành nhiều thời gian để chỉ đạo xây dựng hoàn thiện dự thảo Báo cáo Chính trị trên tinh thần bám sát các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đặc biệt là 8 nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị (khóa XII) và 8 nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết 83/NQ-CP, ngày 27/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị. Cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện các nội dung mà Nghị quyết 54 và Nghị quyết 83 đã đề ra; trong đó, lựa chọn những mục tiêu, nhiệm vụ, khâu đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm đạt kết quả cao nhất trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Báo cáo Chính trị, Đảng bộ tỉnh đã nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, của cán bộ lão thành cách mạng, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia, các tầng lớp nhân dân và các ban, bộ, ngành Trung ương theo đúng tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị. Các ý kiến tham gia đã được tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượngdự thảo Báo cáo Chính trị.
Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được đặt ra trong dự thảo Báo cáo Chính trị nhiệm kỳ mới. Vậy, trong đó, mục tiêu nào là quan trọng, mang tính chiến lược để tỉnh nhà phát triển hơn nữa trong giai đoạn mới, thưa ông?
Dự thảo Báo cáo Chính trị đã nêu rõ tầm nhìn, mục tiêu phát triển, 15 chỉ tiêu chủ yếu và 13 nhiệm vụ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, mục tiêu và nhiệm vụ xuyên suốt là phải khẩn trương hoàn thiện, trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế, các thành phần kinh tế để phấn đấu cân bằng thu - chi ngân sách vào năm 2025; nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân…, tạo thế và lực mới trên con đường xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế trong thời kỳ mới.
Kỳ vọng của ông vào nhiệm kỳ mới này?
Nhiệm kỳ 2020 - 2025 là nhiệm kỳ có ý nghĩa quan trọng đối với Thừa Thiên Huế. Trong 5 năm tới, Thừa Thiên Huế phải phấn đấu để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như mục tiêu mà Bộ Chính trị nêu rõ trong Nghị quyết 54.
Tôi tin tưởng và kỳ vọng rằng, với sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan Trung ương, sự chia sẻ của các địa phương, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn quân, Nhân dân cả tỉnh, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp…, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Anh Phong
(thực hiện)