Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh (bìa phải) kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu tại Siêu thị Big C trong sáng 10/10

Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh, qua nắm bắt tình hình tại các đơn vị kinh doanh lớn, như Siêu thị Co.opmart, Big C, VinMart và các doanh nghiệp (DN) thương mại phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm; các DN sản xuất nước uống đóng chai và kinh doanh xăng dầu đều có hệ thống kho chứa, cửa hàng bán lẻ, phương tiện vận chuyển phân bố đều khắp trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở này bảo đảm dự trữ và cung cấp hàng hóa thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao trong mùa mưa lũ đến các địa phương trong tỉnh.

Ngoài ra, với hệ thống cửa hàng lương thực, thực phẩm của các hộ kinh doanh tại các thị trấn, thị tứ, vùng tập trung dân cư trên địa bàn có khả năng tham gia cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong và sau lũ.

Kiểm tra các DN có ký hợp đồng dự trữ hàng phục vụ bão lụt, hiện 3 DN là Công ty TNHH MTV Lương thực Thừa Thiên Huế, Công ty TNHH Thương mại Thái Đông Anh và Công ty TNHH DV&TM Hoàng Đạt đủ năng lực, điều kiện và đang dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền và sẽ xuất kho khi cần.

Đối với cấp huyện, giao UBND các huyện, thị xã và TP. Huế chủ động nắm tình hình dự trữ của DN, hộ kinh doanh đối với các hàng hóa, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống lụt bão trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch tổ chức dự trữ hàng hóa phòng chống bão lụt theo phương châm “bốn tại chỗ”; lưu ý việc tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu tại chỗ ở hai huyện A Lưới, Nam Đông và các địa bàn dễ bị chia cắt khi có bão lụt xảy ra. Số lượng dự trữ cấp huyện và các xã phường gồm 1.400 tấn gạo, 203 tấn mì ăn liền, 445.000 lít nước, 248.000 lít xăng, dầu và 8 tấn muối.

Ngoài ra, các DN còn dự trữ 1.820 ngàn lít xăng dầu, 87 tấn dầu mỡ, 15 tấn gas,1 triệu lít xăng, 1,5 triệu lít dầu diezen.

Tin, ảnh: Thanh Hương