Trao tận tay người dân

1h30 chiều 12/10, đoàn cứu trợ của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 có mặt tại sân bay Phú Bài, TX. Hương Thủy cùng 1.200 thùng mì tôm, 2 tấn gạo và nhiều nhu yếu phẩm khác. Để kịp thời vận chuyển mì tôm, gạo đến được với bà con vùng lũ, Bộ CHQS tỉnh đã huy động mọi phương tiện, lực lượng tàu thuyền để tham gia vận chuyển đồ ăn nước uống cho người dân các vùng ngập lụt sâu.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ (bên trái) cùng lực lượng quân đội tặng quà cho người dân

Vừa di dời thêm 118 hộ dân đến nơi an toàn, bà Ngô Thị Ngọc, Bí thư xã Thủy Phù cho biết, hiện tại địa bàn xã hầu như ngập hoàn toàn, có những nơi ngập hơn 2m.  Đã nhiều ngày sống với lũ, đồ ăn dự trữ của người dân cũng gần hết, đường ngập sâu, nên sự cứu trợ của chính quyền, các cấp ngành là hết sức cần thiết vào lúc này.

“90 tuổi, sống một mình, mưa to, lụt lớn may mà có dân quân, bộ đội và chính quyền, hàng xóm giúp đỡ. Mấy bữa ni toàn “ăn nhờ, ở đậu” hàng xóm, giờ mệ lại được các chú bộ đội về tận nơi tặng mì tôm, gạo và tiền nên mệ mừng lắm”, mệ Lê Thị Thuyên, 87 tuổi, thôn 8, xã Thủy Phù chia sẻ.

2 thùng mì tôm, 20kg gạo do Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Bộ CHQS tỉnh trao tận tay gia đình chị Lê Thị Yến (Thôn Vân Thê, xã Thủy Vân, TX. Hương Thủy) chẳng khác gì “chiếc phao cứu cánh”. “Gia đình tôi ở vùng trũng nên chắc nước có rút cũng phải cả tuần nữa mới đi lại được. May mà có bộ đội, chính quyền cứu trợ kịp thời. Khó khăn, vất vả do lũ lụt đúng là không thể kể hết, nhưng ai giúp được gì, dù là một chai nước cũng thật đáng quý”, chị Yến bộc bạch.

Cũng là địa bàn ngập sâu của huyện Quảng Điền, xã Quảng Thọ hiện đang bị cô lập do 4 bề đều mênh mong nước lũ. Gia đình bà Lê Thị Miên không khỏi vui mừng khi nhận những thùng mì tôm cứu trợ đầu tiên của Bộ tư lệnh Quân khu 4 và Bộ CHQS tỉnh.

Trung tá Nguyễn Xuân Thiện, Chỉ huy trưởng, Ban CHQS huyện Quảng Điền cho biết, sau khi tiếp nhận hàng cứu trợ của chính quyền, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, chúng tôi sẽ huy động tối đa lực lượng để trao đến tận tay từng người dân trong thời gian sớm nhất.

Những việc làm ý nghĩa

Do ngập lụt nhiều ngày, lại nằm trên tuyến đường khá thấp của thành phố Huế nên Trung tâm nuôi dưỡng người có công (đường Yết Kiêu, phường Thuận Lộc, TP. Huế) bị ngập lụt sâu, đứng trước nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm. Trước tình hình đó, Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh đã khẩn trương dùng các phương tiện như ghe, thuyền đi mua lương thực và đến tận nơi nấu nướng, phục vụ người có công.

Hội viên phụ nữ Bộ CHQS tỉnh trực tiếp mua thực phẩm và nấu cơm cho người có công ở trung tâm

Thiếu tá, Nguyễn Thị Thanh, Phụ trách công tác Phụ nữ, Bộ CHQS tỉnh cho biết, hiện tại, Trung tâm nuôi dưỡng người có công đang nuôi dưỡng 19 cụ ông và cụ bà từ 75 tuổi đến 93 tuổi. Do mưa lũ kéo dài nên chúng đã huy động chị em đi mua lương thực, thực phẩm, bánh trái, sữa để kịp thời hỗ trợ trung tâm, đảm bảo đời sống cho các cụ.

Vừa ăn cơm, vừa trò chuyện với những cô bộ đội dễ thương, cụ Lê Thị Dòng, 75 tuổi vui vẻ: "Mưa lũ thế này mà các cháu bộ đội chèo thuyền đến tặng quà, nấu cơm, chuyện trò khiến chúng tôi vui lắm. Được chính quyền, các cấp, ngành quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ như thế này là các cụ vui và hạnh phúc rồi.

Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết, vẫn đang huy động tối đa lực lượng, phương tiện nhất là các phương tiện chuyên dụng như ca nô, xe thiết giáp vừa để giúp dân ứng phó với lũ lụt vừa vận chuyển mì tôm, gạo, nước uống kịp thời cứu trợ người dân, nhất là các gia đình bị ngập sâu, ngập lâu ngày.

Ban CHQS các huyện, thị, thành tiếp tục túc trực 24/24, đảm bảo 100% quân số, đồng thời chủ động nắm chắc tình hình tại địa phương, nắm chắc hoàn cảnh từng hộ dân để có phương án ứng cứu và hỗ trợ kịp thời khi nước dâng cao.Trong những ngày tới, nếu nước rút, chúng tôi tiếp tục huy động lực lượng giúp dân dọn lũ, để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Thanh Thảo