Sau đại dịch, hành khách sẽ phải quen với việc đo thân nhiệt và đeo khẩu trang khi di chuyển bằng đường hàng không. Ảnh minh họa: Thanh Niên

“Ngành hàng không toàn cầu đang đối mặt với khủng hoảng lớn chưa từng có và các hãng hàng không đang ở trong “chế độ” sinh tồn. Nhiều hãng hàng không sẽ không có đủ tiềm lực kinh tế để tồn tại trong thời gian ngừng hoạt động vô thời hạn mà hiện một số hãng đã trải qua khoảng nửa năm. Ngành hàng không đang đối mặt với khoản lỗ ròng 84 tỷ USD trong năm nay và chúng tôi không kỳ vọng rằng cho đến năm 2024, nhu cầu đi lại sẽ phục hồi như vào năm 2019”, Trợ lý giám đốc truyền thông văn phòng Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) châu Á – Thái Bình Dương Albert Tjoeng thông tin.

Hiện IATA đã và đang kêu gọi xét nghiệm có hệ thống và triển khai trên quy mô toàn cầu đối với các hành khách trước khi khởi hành. Động thái được xem như một cách để đảo ngược vận mệnh của lĩnh vực hàng không “ốm yếu”. Tuy nhiên, nhà phân tích về giao thông vận tải của Đại học Quản lý Singapore Terence Fan cảnh báo rằng việc tiến hành xét nghiệm, kiểm tra như vậy không phải là dễ dàng. Cùng lúc nhấn mạnh lưu ý rằng những người nhiễm bệnh ở giai đoạn đầu có thể cho kết quả âm tính giả khi được xét nghiệm. Trước những ý kiến này, ông Albert Tjoeng cho biết xét nghiệm nên được đi kèm với với nhiều biện pháp khác như truy tìm liên hệ, trong khi nhà phân tích Terence Fan đề nghị yêu cầu khách du lịch tuân thủ một hành trình nghiêm ngặt khi đến các nước khác.

Giáo sư Jochen Wirtz tại Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cũng cho biết, ngay cả khi tình hình đại dịch COVID-19 đã lắng xuống thì tiến trình bình thường mới cho việc di chuyển bằng đường hàng không vẫn có nghĩa là mọi hành khách vẫn sẽ phải đeo khẩu trang và đo thân nhiệt khi lên máy bay.

Ông hi vọng rằng hành khách sẽ sớm thích nghi với những yêu cầu như vậy, giống như cách mà họ đã quen với các biện pháp an ninh bổ sung được áp đặt sau vụ khủng bố ngày 11/9 cách đây 19 năm. Đơn cử như phải cởi giày để kiểm tra qua máy quét.

Trước tác động của đại dịch, khả năng cao các hãng hàng không sẽ phải tiến hành tái cơ cấu và việc sát nhập, mua lại hay phá sản là những viễn cảnh hoàn toàn có thể xảy ra đối với những hãng hàng không không thể trụ lại trong thời kỳ đại dịch.

Trong một diễn biến khác, để giúp phục hồi nền kinh tế, ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các quốc gia như Singapore, Australia và Nhật Bản đang dần nới lỏng một số hạn chế đi lại trên tuyến quốc tế khi các ca nhiễm mới đã tăng chậm lại. Đây là động thái vô cùng quan trọng bởi du lịch quốc tế ở châu Á gần như đã sụp đổ khi chỉ riêng tháng 8, số lượng hành khách giảm đến 97%.

Cụ thể, Singapore đã mở cửa tiếp nhận du khách từ nhiều quốc gia, bao gồm Brunei, Việt Nam, Australia… Trong khi đó, người dân New Zealand bắt đầu từ ngày 16/10 sẽ có thể đi đến một số vùng của Australia, bao gồm cả New South Wales, Canberra mà không bị cách ly và Nhật Bản cũng có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm du lịch nước ngoài đến Trung Quốc và 11 nước khác, tuy vẫn khuyến khích người dân không nên di chuyển xa nếu không cần thiết.…

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ CNA & Reuters)