Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế, để không gây “sốc”, năm 2015 giá vé chỉ tăng ở mức vừa phải. Những năm tiếp theo, tuỳ vào tình hình trượt giá thực tế sẽ có sự điều chỉnh phù hợp.

Du khách thăm Đại Nội

Dưới góc độ của một doanh nghiệp lữ hành, chị Dương Thị Công Lý, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam – Hà Nội tại Huế, lại có chút lo lắng khi nếu tăng đúng lộ trình từ nay đến năm 2020 đạt đến mức tối đa, một du khách đến Huế chỉ cần thăm Hoàng cung – giá vé 210 ngàn đồng/ người và 2 điểm lăng nữa – 150 ngàn đồng/người/điểm thì đã hết khoảng 500 ngàn đồng/người. Nếu gia đình 4 người, thì mỗi chuyến du lịch đến Huế chưa kể ăn uống, ngủ nghỉ họ cũng đã tốn 2 triệu đồng cho việc đi thăm lăng tẩm.  Mức giá này đáng để du khách Việt phải “đong đếm” kỹ lưỡng cho một chuyến du lịch đến với cố đô Huế.

Tuy nhiên, theo TS. Phan Thanh Hải, có thể việc thực hiện chính sách đồng giá, thống nhất giữa người Việt Nam và người nước ngoài sẽ gây áp lực về giá cho đối tượng là khách du lịch người Việt Nam, do mức sống và thu nhập bình quân của người Việt Nam thấp hơn. Nhưng, trong các phương án thực hiện việc điều chỉnh giá vé còn có nhiều chính sách miễn giảm giá vé đối với khách nội địa nói chung và cụ thể với nhiều đối tượng khác, như: miễn vé tham quan trong 5 này lễ, tết quan trọng của đất nước, hoặc giảm 50% cho các đối tượng chính sách. Riêng với du khách nội địa, phương án mua vé gộp tuyến 2 điểm gồm Hoàng cung và 1 điểm lăng khác (trong số: lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng và lăng Khải Định) là điều kiện để du khách chỉ cần mua vé thăm Hoàng Cung là đã có thể thăm thêm 1 điểm lăng khác nữa. Hoặc khi mua vé theo tuyến 3 điểm (gồm: Hoàng Cung - Minh Mạng - Khải Định), du khách nội địa sẽ được tham quan miễn phí tất cả các điểm di tích còn lại. Phân tích các phương án này, TS. Phan Thanh Hải cho biết: Chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho khách du lịch trong nước này kích thích khả năng tham quan nhiều điểm của du khách, thu hút lượng khách tham quan đầy đủ các điểm di tích Huế, kéo dài thời gian lưu trú và điều phối được lượng khách tham quan từ nơi nhiều khách đến nơi ít khách.

Từ nay đến năm 2020, giá vé sẽ được điều chỉnh với các mức 210.000 đồng/người lớn, 60.000 đồng/trẻ em thăm Hoàng cung (Đại Nội - Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế); còn các khu di tích lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Khải Định là 150.000 đồng/người lớn và 40.000 đồng/trẻ em. Đối với những điểm di tích lăng Gia Long, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh, điện Hòn Chén, cung An Định, đàn Nam Giao, Kỳ đài Huế…, do lượng du khách thăm hàng năm vẫn còn ít nên mức giá thấp hơn, người lớn là 70.000 đồng và trẻ em là 20.000 đồng, thời điểm áp dụng từ ngày 1-4-2015.

Tiếp nhận thông tin sẽ có sự điều chỉnh giá vé thăm các điểm di tích Huế, anh Hoàng Nam (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) băn khoăn: “Nếu mức tăng không quá đột xuất và không chênh lệch quá nhiều thì cũng có thể chấp nhận được. Từ xa về thăm Cố đô Huế, điều quan trọng nhất chúng tôi muốn nhận được là sự thoải mái, hài lòng khi sử dụng các dịch vụ đi kèm. Không dám vơ đũa cả nắm, nhưng với dịch vụ đi xe ngựa và kiệu xe ngựa, tôi cảm thấy cách người ta mời khách, ra giá và đón khách..., vẫn bình thường như bao hoạt động giao thông khác, chứ không để lại chút cảm xúc nào trong một không gian tôn nghiêm của Hoàng cung - Đại Nội”.

Vấn đề anh Hoàng Nam băn khoăn cũng là suy nghĩ chung trong tâm lý của đa phần du khách đến với Cố đô Huế. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được đơn vị quản lý di tích định hướng cụ thể để thực hiện song song với lộ trình điều chỉnh tăng giá vé thăm di tích Huế. Cụ thể, chấn chỉnh chất lượng thuyết minh, tăng cường chất lượng hoạt động biểu diễn, các hoạt động trưng bày, tôn tạo cảnh quan, hoàn thiện các công trình và đưa vào phục vụ khách tham quan và tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách... là những việc đã được Trung tâm BTDTCĐ Huế nêu rõ trong đề án trình HĐND tỉnh để xin chủ trương điều chỉnh mức vé thăm quan. TS. Phan Thanh Hải cho biết: “Với mong muốn đưa các dịch vụ ở các điểm di tích đạt đến sự tinh tế, chúng tôi sẽ từng bước chấn chỉnh và nâng cao ý thức của đội ngũ cán bộ, nhân viên - nhất là những bộ phận thường xuyên giao tiếp với du khách, có sự chuyên nghiệp và sự thân thiện hơn với du khách”. 

Đồng Văn