Theo quy định của ngành Hàng không, hành khách không được đưa dầu tràm lên máy bay

Không thể mang lên máy bay

Cuối tuần rồi, tôi có công việc nên về Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài để di chuyển vào TP. Hồ Chí Minh. Đoàn của chúng tôi làm thủ tục an ninh trước, ngay sau là một đoàn khách khoảng 50 người trẻ tuổi làm thủ tục trở về Hà Nội. Đoàn khách là nhân viên của một tập đoàn viễn thông vào Huế hỗ trợ xử lý sự cố sau cơn bão số 5 vừa qua. Tôi đoán đoàn này có khá nhiều người mới lập gia đình và có con nhỏ, vì trong lúc chờ làm thủ tục, nghe họ bàn tán khá nhiều về việc mua dầu tràm, sử dụng cho trẻ em là tốt nhất. Có người hí hửng bảo, vợ ở nhà có dặn phải mua được dầu tràm ở Huế, vì Huế là “thủ phủ” dầu tràm và rất tin tưởng về chất lượng.

Khi làm thủ tục an ninh, lần lượt mọi người đều hoàn tất qua cửa, đảm bảo các quy định của an ninh sân bay, riêng những người có mua dầu tràm thì phải dừng lại, di chuyển sang một bên để lực lượng an ninh kiểm tra, xử lý đúng quy định.

Trong lúc chờ đợi để lên máy bay, tôi đến bắt chuyện với một hành khách bị giữ lại vì có mang tinh dầu tràm lúc nãy. Hành khách này cho biết, anh mua 4 chai dầu tràm loại nhỏ (50ml), hết 520 nghìn đồng ở một cửa hàng được khách hàng đánh giá rất uy tín trên mạng. Con gái anh mới sinh, nên mua nhiều để dùng dần bởi rất lâu mới có dịp vào Huế. Sau khi được thông báo không được mang dầu tràm lên máy bay, anh yêu cầu ký gửi vào hành lý, nhưng cũng không được vì được thông báo đó là quy định và đành phải để dầu tràm lại sân bay. Vừa hụt hẫng không mang dầu về được, vừa tiếc khi hơn 500 nghìn đồng mua dầu trước đó.

Theo quy định của ngành hàng không, tinh dầu tràm được xác định là chất lỏng dễ gây cháy, nổ. Vì vậy, dầu tràm không được mang lên máy bay dù bất kỳ hình thức này, theo hành lý xách tay và hành lý ký gửi.

Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch thông tin, việc hành khách nói chung và khách du lịch nói riêng khi đến Huế rất thích dầu tràm, có nhiều người mua số lượng rất lớn, nhưng sau khi mua, phải “ngậm ngùi” để lại Huế đã xảy ra từ rất lâu. Đã có nhiều phản ánh, đề xuất để giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa thay đổi. Do đó, “đặc sản” dầu tràm vẫn còn “khoảng cách” đối với khách du lịch.

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương cho biết, trước đây tỉnh đã có văn bản gửi Tổng cục Hàng không để “gỡ khó” cho dầu tràm, nhưng được trả lời rằng, tinh dầu tràm gây ảnh hưởng đến an toàn các chuyến bay, không đảm bảo an toàn về cháy nổ. Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài căn cứ vào văn bản này để thực hiện. Nhưng điều khá khó hiểu là tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sân Nhất (TP. Hồ Chí Minh), tinh dầu dừa, loại tinh dầu tương đồng với tinh dầu tràm vẫn có thể đem lên máy bay để mang về Huế.

Cần giải pháp lâu dài

Để tinh dầu tràm vẫn được khách hàng lựa chọn mua làm quà khi đến Huế du lịch, đã có doanh nghiệp chiết xuất thành dạng đặc (cao dầu tràm). Hiện nay, chỉ mới có cơ sở tinh dầu tràm Kim Vui là chiết xuất được sang dạng cao. Tuy nhiên, theo cơ sở này, sản phẩm dạng cao chưa được nhiều khách hàng lựa chọn vì chất lượng được đánh giá không bằng dạng lỏng. Bên cạnh đó, sản xuất tốn nhiều kinh phí nên làm tăng giá thành.

Cuối tháng 9/2020, UBND tỉnh có Quyết định số 2509/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm tinh dầu tràm. Việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý nhằm khẳng định giá trị thương hiệu và phát triển thị trường, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tâm lý yên tâm chọn lựa cho khách hàng đối với mặt hàng dầu tràm. Cùng với đó là xây dựng vùng nguyên liệu lớn tại Phú Lộc và Phong Điền. Định hướng về nâng tâm thương hiệu cho dầu tràm đã rõ, nhưng việc không thể vận chuyển bằng đường hàng không là một “nút thắt” khó cho dầu tràm khi mở rộng thị trường tiêu thụ.

Điều này càng quan trọng khi hiện nay, có khoảng 80% khách du lịch di chuyển bằng đường hàng không. Đối với hành khách thông thường, tỷ lệ sử dụng máy bay làm hình thức di chuyển cũng tăng dần qua các năm so với các phương tiện khác.

Ông Nguyễn Thanh cho biết, với dầu tràm, hiện nay chỉ có những giải pháp mang tính tạm thời. Một giải pháp được xác định triển khai trong thời gian đến là chủ động trong liên kết với các địa phương trong cả nước, hợp tác đưa dầu tràm đến các đại lý ở các tỉnh, thành để giới thiệu và tiêu thụ. Tất nhiên, phải đảm bảo chất lượng và giá cả phù hợp, tương đương như ở Huế. Ngoài ra, đi cùng là những giải pháp truyền thông để khách hàng ở các địa phương tin tưởng mua ở các đại lý.

Bài, ảnh: Đức Quang