Ngạt khí CO là một nguyên nhân chính khi lái xe ngủ và để xe nổ máy. Ảnh minh họa: Vietnam+

Đây không phải là lần đầu tiên một sự việc bi thảm như vậy xảy ra ở các quốc gia thành viên ASEAN. Các báo cáo về nạn nhân tử vong được tìm thấy trong ô tô đậu ở các trung tâm mua sắm, trạm xăng và thậm chí trong nhà đã gây xôn xao trong nhiều năm qua. Đôi khi những cái chết này là do ngộ độc khí carbon monoxide - được thực hiện một cách cố ý hoặc vô tình, một số khác được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh trong ô tô - thường là trẻ em - tử vong vì sốc nhiệt.

Chỉ năm ngoái, một người đàn ông được phát hiện đã tử vong trong bãi đậu xe của một trạm xăng ở Đông Jakarta – Indonesia, với nguyên nhân cái chết được cho là ngạt “khí carbon monoxide từ việc đốt cháy nhiên liệu của ô tô”, ông Pandji Santoso - cảnh sát trưởng địa phương cho biết.

Vào năm 2018, hai phụ nữ Thái Lan đã chết vì ngộ độc khí carbon monoxide khi thi thể của họ được tìm thấy bên trong một chiếc ô tô đang đậu bên vệ đường với động cơ đang nổ máy ở Hat Yai, Thái Lan. Một trường hợp tương tự đã xảy ra ở Philippines khoảng 10 năm trước, nơi một cặp đôi tuổi teen được tìm thấy khỏa thân và chết vì nghi ngộ độc khí CO trong một chiếc xe hơi ở thành phố Quezon.

Những thảm kịch như vậy đã xảy ra trong nhiều thập kỷ và vẫn còn được báo cáo cho đến ngày nay. Có lẽ, việc thiếu nhận thức về nguy cơ nhiễm độc khí CO có liên quan đến vấn đề này.

Nguyên nhân chính gây tử vong cho những người ngủ gục trong ô tô là ngộ độc khí carbon monoxide. Nó là một loại khí không màu và không mùi được tìm thấy ở bất cứ nơi nào nhiên liệu được đốt cháy. Một số nguồn CO bao gồm xe tải và động cơ nhỏ, cũng như một số thiết bị gia dụng nhất định như bếp gas, lò nung và bếp củi… CO từ những làn khói này có thể tích tụ ở những nơi không có luồng không khí trong lành, chẳng hạn như ô tô có cửa sổ đóng kín.

Khi con người hít thở nó, CO ngăn cản các tế bào máu mang đủ oxy đi khắp cơ thể. Các triệu chứng thường gặp của ngộ độc khí CO là đau đầu, mệt mỏi, đau ngực và lú lẫn trước khi bất tỉnh, rồi tử vong.

“Hãy hạ cửa sổ xuống một chút nếu bạn muốn nghỉ ngơi bên trong xe,” bác sĩ Azril Haris Yafee Amar, chuyên gia tư vấn tại Bệnh viện Sungai Petani’s Pantai, bang Kedah (Malaysia) cho biết.

“Nhiều người cho rằng chợp mắt một giờ là được, nhưng rủi ro vẫn còn đó, và một người có thể chết vì ngạt thở khi chỉ một lượng không khí được tuần hoàn bên trong xe,” ông tiếp tục.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Malaysia, ngủ trong xe ngay cả khi cửa sổ hạ xuống (hoặc kéo lên) không bao giờ là một giải pháp an toàn. Trong một bài đăng trên tài khoản Facebook, Bộ này nói rằng điều an toàn nhất nên làm khi một người cảm thấy buồn ngủ khi lái xe là dừng xe lại, ra khỏi xe và tìm một nơi an toàn để nghỉ ngơi với “không khí lưu thông tốt”.

Anh Tuấn (Lược dịch từ The Asean Post)