Một loại thuốc, 3-4 giá

Bà Nguyễn Thị Tân, xã Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) đứng buồn bã trước cổng Bệnh viện Bạch Mai vì không mang đủ tiền mua thuốc. Bà Tân bị bệnh tiểu đường hơn 1 năm nay.

 
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội (phải) kiểm tra việc niêm yết giá thuốc trên địa bàn thủ đô.

Bà nói: “Đơn thuốc của tôi trung bình 1 tháng hết khoảng 550.000 đồng, giờ đội lên thêm 50.000 đồng/tháng nữa. Tôi có hơn 500.000 đồng trong túi, mua hết thuốc thì không đủ tiền về quê” (bà Tân điều trị ngoại trú- PV).

Đơn thuốc của bà Tân có 4 loại, trong đó đắt tiền nhất là thuốc Diamicron MR 30mg. Hiện mỗi ngày bà uống 3 viên, 1 tháng hết 1,5 hộp thuốc (60 viên/hộp).

Cầm đơn thuốc của bà, chúng tôi qua 3 nhà thuốc hỏi giá Diamicron MR 30mg thì nhận được 3 mức giá khác nhau: Nhà thuốc số 1, Bệnh viện Bạch Mai: 161.000 đồng/hộp; nhà thuốc Bệnh viện Nội tiết (phố Thái Thịnh, Hà Nội): 150.000 đồng/hộp và nhà thuốc tư nhân Minh Hạnh (210 đường Giải Phóng) là 190.000 đồng/hộp.

Thấy giá 190.000 đồng/hộp là cao bất thường so với giá của 2 nhà thuốc trong bệnh viện, chúng tôi thắc mắc thì nhân viên nhà thuốc giải thích: “Bọn em nhập hàng vào hàng ngày, giá cả tăng là điều chỉnh ngay. Hàng này là hàng của Pháp, nhập theo giá USD. Mấy hôm nay USD tăng lên 20.250 đồng rồi”.

Theo số liệu của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), thuốc Diamicron MR 30mg, giá đấu thầu của Bệnh viện Bạch Mai là 2.393 đồng/viên, tương đương 143.580 đồng/hộp 60 viên. Như vậy, mức giá của nhà thuốc bệnh viện bán đã là rất cao so với giá đấu thầu. Còn nếu tính chênh lệch trên thị trường, riêng loại thuốc này đã chênh tới gần 50.000 đồng/hộp.

Tăng theo USD chỉ là một lý do rất nhỏ

Dược sĩ Tuyết Thanh (Công ty Dược phẩm T.Ư 5) khẳng định: “Thông thường cuối năm, các hãng dược trong nước giữ nguyên giá bán và tăng khuyến mại. Lượng hàng khuyến mại cuối năm rất nhiều, chẳng hạn mua 10 hộp được tặng thêm 2-3 hộp; thời gian khuyến mại dài nên khó có thể nói dược phẩm sẽ tăng giá mạnh.

Còn việc giá USD tăng tác động tới giá thuốc thì theo tôi chỉ là tâm lý vì thông thường các doanh nghiệp nhập khẩu đã phải thoả thuận giá từ đầu năm (để có cơ sở giá đấu thầu thuốc cả năm cho các bệnh viện) nên việc điều chỉnh không đáng kể”.

Theo quy định về kê khai, quản lý giá thuốc theo Thông tư 11/2007 (liên Bộ Y tế, Tài chính, Công Thương) thì đúng là giá CIF được tính theo đồng tiền Việt Nam (CIF là giá nhập khẩu, bao gồm giá trị thuốc tính theo giá bán của nước xuất khẩu, chi phí bảo hiểm, cước phí vận chuyển từ nước xuất khẩu đến cảng Việt Nam).

Việc quy đổi giá từ đồng ngoại tệ sang đồng tiền Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm nộp hồ sơ kê khai, kê khai lại giá thuốc. Vì vậy, biến động về tỷ giá cũng được coi là yếu tố để các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc khai lại giá thành.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngành dược (xin giấu tên) thì: “Tỷ giá USD so với tiền Việt chỉ tăng vài chục đồng, tính trên giá thành của hàng triệu viên thuốc là không đáng kể nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu cũng cứ vin vào đó để tăng giá thành”.

 

 
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có trách nhiệm định kỳ mỗi năm một lần công bố giá thuốc tối đa do ngân sách nhà nước và Quỹ bảo hiểm y tế chi trả; công bố giá tham khảo các mặt hàng thuốc trúng thầu kỳ trước của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh... Hiện, Cục này đã thực hiện nhiệm vụ nói trên, nhưng thông tin này rất khó đến với người dân. Danh mục giá của hàng vạn loại thuốc bị khuất lấp trong website của Bộ Y tế.