Như vậy là những băn khoăn, thắc mắc của dư luận đã được trả lời. Bia Đông Gia Kiều đã được cất giữ và sẽ được hoàn trả lại giá trị cũng như trách nhiệm của tấm bia đối với di sản. Các đơn vị liên quan đến tấm bia này (nhất là Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) kể từ khi có những câu hỏi đặt ra trên một số diễn đàn đã có ngay những ứng xử kịp thời, và theo tôi, cũng khá là rốt ráo.

Ở trường hợp cụ thể này, cái cần được nhận thức chắc hẳn không phải là cái cũ bên cạnh cái mới, là sự phù hợp hay không phù hợp mà chính là ý thức và trách nhiệm của những người thừa hành, là sự quan tâm của cộng đồng đối với di sản. Thế nên, thông điệp đặt ra ở câu chuyện này không chỉ là riêng cho bia đá Đông Gia Kiều. Những vấn đề về bảo tồn di sản, bảo tồn các giá trị văn hóa và lịch sử ở Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung bao giờ cũng đòi hỏi cách làm việc nghiêm túc, khoa học, bài bản; không chỉ trân trọng mà còn cẩn trọng đối với những tiếng nói từ quá khứ.

Kinh nghiệm thì nhiều, và chẳng cái nào giống cái nào. Chẳng hạn như việc phối hợp giữa các bên có liên quan, sự thẩm định của một hội đồng khoa học hay đơn giản chỉ là sự bàn bạc, thảo luận của các bên có trách nhiệm; việc thu nhận ý kiến tham khảo từ các chuyên gia cũng như thẩm định của cơ quan chuyên môn... Trên tất cả, còn là sự quan sát, theo dõi và những phản biện tích cực từ phía người dân không chỉ đối với những cái mà họ thấy, họ biết mà còn từ những điều mà họ được và sẽ được chia sẻ.

Công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử vẫn còn là một quá trình dài lâu. Những điều có được từ tấm bia Đông Gia Kiều do vậy vẫn không bao giờ là đơn lẻ và đã qua...

Hạnh Nhi