Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà trao Bằng khen và tặng hoa chúc mừng các đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 - 2020

Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Từ năm 2017 đến nay, thôn Phú Nam, xã Hương Phú (Nam Đông) không có hộ nghèo; hộ cận nghèo giảm từ 5,7% xuống còn 5,27%. Để đạt được kết quả đó là điều không dễ đối với một thôn còn nhiều khó khăn như Phú Nam.

“Nhiều đổi thay trong thôn bắt nguồn từ phong trào vận động người dân phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng thực hiện có hiệu quả việc nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, thôn đạt 4/6 tiêu chí, với 26 tiểu mục; 1 tiêu chí đạt 7/7 tiểu mục và 1 tiêu chí chưa đạt”, ông Hồ Sỹ Tiến, Trưởng thôn Phú Nam, Tổ trưởng Tổ dân vận thôn Phú Nam thông tin.

Cách làm của Tổ dân vận thôn Phú Nam là phân công các thành viên trong tổ bám sát cơ sở, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân để làm công tác dân vận. Khi hiểu được ý nghĩa của những công trình sẽ xây dựng, nhiều hộ dân không ngần ngại hiến đất, tự nguyện tham gia ngày công để mở rộng, bê tông nhiều tuyến đường liên thôn, liên xóm…

Ông Hồ Sỹ Tiến thống kê: “Tổ dân vận thôn đã vận động người dân được 510 ngày công, hiến 350m2 đất, bê tông hơn 1,2km đường, lắp đặt hơn 2,3km hệ thống đèn điện chiếu sáng trong thôn. Thôn còn vận động người dân xây dựng 1 khu vui chơi cho các cháu, với tổng trị giá 50 triệu đồng. Thôn Phú Nam đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu”.

Với vai trò Bí thư Chi bộ 5, Đảng bộ phường Phường Đúc (TP. Huế), nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Thanh Bình luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, thường xuyên gặp gỡ cán bộ, đảng viên, người dân trong tổ dân phố để làm công tác dân vận. Trong các buổi sinh hoạt chi bộ, bao giờ bà Bình cũng lồng ghép việc tuyên truyền, vận động, kêu gọi cán bộ, đảng viên đầu tàu, gương mẫu trong mọi hoạt động và giúp đỡ, hỗ trợ những cảnh đời khó khăn trong cuộc sống, đồng thời góp sức xây dựng bộ mặt tổ dân phố ngày càng sáng – xanh – sạch đẹp – an toàn”.

Để thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, bà Nguyễn Thị Thanh Bình luôn “nằm lòng” câu nói của Bác Hồ: “Bất kể việc gì dù lớn hay nhỏ, nếu được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và người dân thì khó mấy cũng giải quyết được”.

Nhiều người biết đến bà Bình không chỉ là một Bí thư Chi bộ tháo vát, năng động, mà còn làm được rất nhiều việc cho người dân và chính quyền địa phương. Lúc thì mọi người thấy bà trong vai trò chính để vận động cán bộ, đảng viên hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, người già ốm, bệnh tật. Lúc khác thì thấy bà đến từng hộ kinh doanh để hướng dẫn thực hiện việc cam kết các quy định của cấp trên…Hầu như các việc khó đều được bà Bình giải quyết thấu tình đạt lý, được cán bộ, đảng viên và người dân trong chi bộ, tổ dân phố 5 ghi nhận, đánh giá cao.

“Việc làm của tôi tuy nhỏ bé, nhưng rất cụ thể. Chẳng hạn tôi đã vận động đảng viên trong chi bộ quyên góp hàng tháng để giúp đỡ 1 địa chỉ nhân đạo. Hay các học sinh đỗ đạt, có thành tích cao trong học tập; các cháu khuyết tật, các cháu đoạt giải các cấp tôi vận động cán bộ, đảng viên và người dân tổ chức trao quà, động viên các cháu…”, bà Bình cho biết.

Tổ dân vận thôn Phú Nam, xã Hương Phú, Nam Đông và Bí thư Chi bộ 5, phường Phường Đúc, TP. Huế - bà Nguyễn Thị Thanh Bình là 2 trong nhiều điển hình của phong trào thi đua “Dân vận khéo” mà Ban Dân vận Tỉnh ủy lựa chọn giới thiệu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen giai đoạn 2017 – 2020.

Không ngừng đổi mới công tác dân vận

Theo Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Minh Nhân, thông qua việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” đã huy động được nhiều tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc. Đó cũng là lý do xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; thể hiện được sự năng động, sáng tạo trong công tác vận động Nhân dân của những cán bộ làm công tác dân vận trong hệ thống chính trị trên địa bàn toàn tỉnh.

Các mô hình “Dân vận khéo” đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp đỡ Nhân dân vươn lên thoát nghèo. Kết quả của các mô hình “Dân vận khéo” cũng là minh chứng sinh động để đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác dân vận thì nơi đó đảm bảo được sự đoàn kết thống nhất, có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đồng thời, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong các phong trào. Mặt trận, các đoàn thể là mối liên kết để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong Nhân dân khi thực hiện các mô hình “Dân vận khéo”.

“Việc lựa chọn, xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” phải xuất phát từ tình hình thực tế ở từng địa phương, đơn vị và lợi ích chính đáng của tập thể, quần chúng Nhân dân, từ đó mới tạo sự đồng tình, hưởng ứng. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã rất thành công ở Thừa Thiên Huế. Kết quả đó là sự tổng hợp nhiều yếu tố tạo thành; trong đó, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là nhân tố có tính quyết định đến sự thành công của phong trào thi đua “Dân vận khéo””, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà khẳng định.

Từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 940 mô hình, điển hình tiên tiến. Nhân Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng, có 24 tập thể và cá nhân được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen vì đã có nhiều đóng góp trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 – 2020.

Bài, ảnh: Anh Phong