Thấp thỏm, lo âu, bời bời gan ruột… là trạng thái của người dân Thừa Thiên Huế khi mưa vẫn đổ xuống, nước dâng và hạ rất chậm ở những vùng ngập trũng. Dù tình thế là nguy hiểm, có nơi, có lúc mực nước đo được đã bằng đỉnh lũ năm 1999 nhưng về cơ bản, mọi người đã được chuẩn bị đối đầu với đợt lũ này trong tâm thế chủ động hơn, bình tĩnh hơn. Cảnh báo nguy hiểm đến người dân, chuẩn bị lương thực, thực phẩm; di dời và hỗ trợ người dân di dời đến nơi cao hơn… là việc mà chính quyền các cấp đã ứng trực và thường xuyên thực hiện trong suốt những ngày mưa lũ.

Yên tâm hơn là cảm giác ngay lập tức mà tôi có khi nhìn những hình ảnh các chiến sĩ quân đội, công an vào các điểm ngập lũ đưa bà con ra ngoài, bằng ca nô, thuyền máy, lội bộ… Nghĩa là bằng tất cả khả năng và phương tiện mà các anh có thể tiếp cận được. Thấy xúc động trước đôi tay gầy cũ của một mệ già quàng ôm trước ngực anh công an trẻ khi được cõng ra khỏi vùng nguy hiểm. Những thùng mì gói, nước uống... được trao qua từ tay lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện, xã. Thấy ấm lòng hơn như được sẻ chia, đồng hành dù trang phục của các anh sũng ướt.

Tôi cũng nghĩ, sẽ không khó để cập nhật một con số tương đối, tạm thời về số lương thực, thực phẩm cứu trợ cho người dân vùng ngập lũ đến một thời điểm xác định nào đó. Tuy nhiên, điều chính yếu ở đây là việc làm này vẫn đang được tiếp tục, mỗi giờ và mỗi ngày, ở bất cứ địa điểm và không gian nào cần đến sự hỗ trợ. Sự kết nối sát sao này bắt nguồn từ tinh thần tương thân, từ sự đồng cam cộng khổ trong khó khăn của người dân, từ thông tin qua nhiều kênh khác nhau. Rất nhiều thông tin cần sự hỗ trợ, giúp đỡ đã được tiếp nhận và ngay lập tức được ứng cứu khi gọi đến tổng đài 19001075. Lần đầu tiên tổng đài này được tỉnh đưa vào hoạt động và hỗ trợ người dân thật sự có hiệu quả.

“Cho dù là ban ngày hay đêm tối, cho dù là lúc tạnh ráo hay ngay trong cơn mưa lũ đang ở mức to nhất, các lực lượng chính quyền, công an, quân đội, y tế, dân quân tự vệ, các tổ tự quản, tình nguyện... cũng đều xông pha, không ngại nguy hiểm để cứu dân, hỗ trợ người dân, đem lại sự an toàn cao nhất có thể cho người dân” là điều mà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cho biết trên trang facebook cá nhân của mình. Tôi đã nghĩ về những điều này, về trách nhiệm, nhiều hơn là tình cảm của những người “đứng chân” trong lũ để sát cánh với người dân và vì người dân khi nước về tứ phía.

Giữa khi mưa tạm ngưng, nước đã xuống dần, đồng hành với các doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đã có rất nhiều bạn trẻ, những người làm thiện nguyện mang những phần quà đã đóng góp và huy động được đến những hộ gia đình khó khăn. Trong đó, có cô gái mới chỉ một lần đến Huế nhưng đã ngay lập tức, ở một nơi cách xa gần 1.000 km, kêu gọi sự đóng góp cho những người dân Huế đang gặp hoạn nạn; có cô chủ xinh xắn của một tiệm phun xăm đã kêu gọi được hơn trăm triệu đồng sau một đêm để trưa 13/10 kịp thời mang đến gửi cho gia đình sản phụ đã mất vì lật đò ở Phong Điền; có những bạn trẻ vẫn đang tiếp tục làm việc với chính quyền các cấp, lấy thông tin cụ thể và kết nối với những nhà hảo tâm để có thể đưa những phần quà cứu trợ đến tận tay người dân…

Tôi tin, với những yêu thương ấy, người dân sẽ vượt được những thời điểm khó khăn.

MINH HÀ