Khám bệnh cho người dân sau lũ ở Hương Trà

Tại xã Hương Toàn, nước vẫn còn ngập nhà dân ở các khu vực Triều Sơn Trung, Cổ Lão, An Thuận, Giáp Kiền, Giáp Tây… người dân vẫn đi lại bằng ghe, thuyền.

Bà Lê Thị Hoà, người thôn Giáp Trung lo lắng: “Cả xã chỉ còn Giáp trung cao ráo hơn nên có thể đi lại được sau khi lũ rút bớt, nhưng hiện nước bắt đầu lên trở lại. Bà con đang đối mặt tình trạng lũ chồng lũ”.

Bí thư Đảng uỷ xã Hương Toàn Tống Hồ Thanh Xuân bày tỏ: “Đợt lũ lịch sử những ngày qua, 100% hộ dân ở 11/11 thôn của Hương Toàn ngập từ 0,3 - 3m. Cả xã bị chia cắt”. Trong những ngày mưa lũ, hàng ngày, đò của xã đều chạy quanh 11 thôn để nắm tình hình. Rất may, Hương Toàn không có thiệt hại về người. Thiệt hại về nông nghiệp, xã chưa thống kê được. Ngay khi có điện, các hộ làm bún ở thôn Vân Cù đã sản xuất trở lại để cung ứng bún tươi cho các chợ, quán ăn trên địa bàn thành phố.

Tại phường Hương An, “gần 75 ha hành lá mất trắng, thiệt hại mười mấy tỷ đồng”, Chủ tịch UBND phường Hương An Phan Phước Thìn nói. Điều đáng lo nhất là tới đây Hương An không đủ giống để trồng lại. Đáng ra, lứa hành này sẽ thu hoạch để sang tháng 11 âm lịch người dân chuẩn bị trồng hành lấy giống. Nhưng mưa lớn, nước dâng cao khiến hầu như toàn bộ diện tích hành lá đều ngâm trong nước.

“Trước mắt, hạt giống hành vẫn còn, nhưng để làm giống cho năm tới thì rất khó. Chúng tôi đang xem xét những hộ ở nơi cao, có thể “bảo vệ” được 1-2ha hành lá sẽ tiến hành giữ giống để vãi lại, sẵn sàng khôi phục sản xuất ngay sau lũ”, ông Thìn bày tỏ.

Những phần quà hỗ trợ giúp người dân khắc phục phần nào khó khăn sau lũ

Thống kê của UBND thị xã Hương Trà, mưa lũ làm thiệt hại trên 130 ha hoa màu (chủ yếu ở Hương An, Hương Chữ); hàng trăm ha chuối tiêu, thanh trà của Hương Vân bị thối, gãy đổ. 250ha sắn công nghiệp ngập úng. 12 tấn cá diêu hồng bị chết, nhiều lồng cá bị trôi, hư hỏng. Có 1 người chết và 2 người bị thương do mưa lũ. Cơ sở hạ tầng giao thông nhiều nơi bị hư hỏng nặng, đường bê tông, kè sông bị sạt lở.

Nhiều xã bị cô lập, nước ngập sâu từ 1-3m như Hương Vinh, Hương Phong, Hải Dương, Hương Toàn, Hương Vân. Hệ thống trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc ngập từ 80-90%.

Trước và trong lũ, thị xã tổ chức di dân đến vùng cao, tất cả các trường hợp đau ốm sinh đẻ đều được “giải cứu” kịp thời. Để hỗ trợ người dân, thị xã xuất dự trữ của địa phương và hàng cứu trợ của tỉnh phân phối kịp thời đến tận tay cho bà con, “không để xảy ra trường hợp đói, rét. Điều rất hay là năm nay tỉnh xuất kho dự trữ của tỉnh rất nhanh để ứng cứu, các tổ chức nhà hảo tâm cũng triển khai nhiều chuyến hàng về cứu trợ và tất cả hàng cứu trợ đều được phân bổ, tổ chức đưa về cho người dân kịp thời”, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà - Hà Văn Tuấn thông tin.

Hiện, thị xã đang tập trung ứng phó với bão số 8 gây mưa diện rộng (từ 17-19/10) với dự báo sẽ có đợt lũ mới trong những ngày tới, nguy cơ lũ chồng lũ ở các xã thấp trũng. “Chúng tôi đã thông tin cho các phường, xã yêu cầu tuyên truyền đến tận từng hộ dân: đồ đạc để nguyên không kê xuống và tiếp tục dự trữ lương thực, nước uống dài ngày. Với những hộ dân ở vùng nguy hiểm phải tổ chức di dời sớm. Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng tạm dừng sản xuất để tập trung phòng chống lũ lụt”, ông Tuấn nói.

UBND thị xã cũng có đề xuất gửi UBND tỉnh về việc xin hỗ trợ thêm lương thực, nhu yếu phẩm để cứu trợ các hộ bị ảnh hưởng do lụt bão… Theo đó, Hương Trà đề xuất tỉnh hỗ trợ 75 tấn gạo, 3 ngàn thùng mỳ tôm, 3.500 bộ chăn màn; 40 ngàn cuốn vở, 500 lít hoá chất khử trùng, 5 ngàn lít nước mắm và 500kg bột ngọt.

Tin, ảnh: Liên Minh