Nhiều diện tích sắn ở Phong Hiền, Phong Điền bị ngập úng gây thiệt hại
Trải qua các đợt mưa lũ liên tiếp, nông dân nhiều địa phương “trắng tay” do diện tích cây trồng, lồng, hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập úng, chết hoặc thất thoát ra ngoài môi trường.
Sắn ngâm nước
Nhiều ngày nay, ông Hoàng Ngọc Điền (Tổ dân phố Tân Lập, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) cứ ra ruộng sắn nhà mình nhìn mực nước mong vớt vát được ít diện tích sắn đã bị ngập úng! Gần 20 ha sắn của gia đình ông trồng ở Tổ dân phố Tân Lập và đi mua lại diện tích của người khác ở các địa phương như Phong Hiền, Phong An (Phong Điền) đều bị ứ nước, sắn ngâm lâu ngày thối rửa, thu hoạch không còn giá trị.
“Chi phí giống, phân bón, công cán đến thời điểm hiện tại khoảng 20 triệu đồng. Mọi năm giá sắn cao, 1 ha thu hoạch bán được 34 triệu đồng. Vụ mùa năm nay xem nước lũ lớn nhấn chìm hết, xem như trắng tay”, ông Điền buồn buồn nói.
Ông Thái Ngọc Thảo, Chủ tịch UBND thị trấn Phong Điền thông tin, toàn thị trấn có khoảng 25 ha sắn công nghiệp, đến thời điểm 30 tháng 9 đã thu hoạch xong 11 ha, chỉ còn lại khoảng 14 ha người dân để lại làm giống vì lâu nay nguồn giống sắn trên địa bàn người dân tự túc, sau dịch khảm lá sắn trở nên kham hiếm nên người dân giữ lại diện tích này. Một số khác đi thu gom diện tích sắn non của các địa phương, chậm thu hoạch nên bị thiệt hại.
Tương tự, tại xã Phong Hiền, có khoảng 150 ha sắn bị thiệt hại do ngập úng, trong đó nhiều diện tích bị mất trắng hoàn toàn, tập trung ở 2 thôn Bắc Triều Vịnh và Triều Dương. Hiện nay, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 6, những diện tích sẵn còn lại tiếp tục ngập do mực nước chưa kịp rút, gặp mưa lớn lại gây ngập úng nhiều nơi.
Mặt khác, Nhà máy tinh bột sắn Phong An đã ngưng hoạt động thu mua nhiều tháng nay khiến lượng sắn ứ đọng, thu hoạch ồ ạt không tiêu thụ kịp. Trong khi đó, chở sắn ra nhập cho Nhà máy tinh bột sắn ở Hải Lăng thì tiêu thụ rất chậm do đơn vị này “chê” chất lượng tinh bột sắn thấp, lẫn tạp chất và thu mua chỉ bằng 50% giá khiến người dân gặp khó.
Mưa lũ làm những diện tích chậm thu hoạch cá lồng ở Thuận An bị thiệt hại
Thủy sản thiệt hại
Ngoài cây sắn, hàng trăm lồng cá nuôi, ao hồ cao triều tại thị trấn Thuận An (Phú Vang) cũng thiệt hại do ảnh hưởng lưa lũ. Theo Hội Nông dân thị trấn Thuận An, năm 2020 toàn thị trấn thả nuôi 526 ha diện tích mặt nước lợ với 472 hộ nuôi và hàng nghìn lồng cá vùng sát phá, cửa biển. Đối tượng nuôi chủ yếu cá đối mục, cá nâu, dìa, … tổng cộng 480 vạn con.
“Tính đến 30/9, cơ bản diện tích nuôi lồng và mặt nước lợ đã thu hoạch xong. Còn khoảng 200 lồng cá và một ít diện tích hồ người dân gom nuôi để bán tết, khi nước lũ đổ về nên bị thiệt hại”, ông Đào Quang Hưng, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An nói...
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 332 ha hoa màu, 150 ha sắn, 1 ha cây ăn quả, 10 ha đất trồng hoa và 10.000 chậu hoa các loại bị thiệt hại. Về thủy sản, tại huyện Phú Vang, do mực nước triều dâng cao cộng với nước từ thượng nguồn đổ về nên toàn bộ diện tích hồ nuôi trồng thủy sản cao triều, hạ triều đều bị ngập hoàn toàn trong nước với diện tích 1.465 ha; tại huyện Phú Lộc diện tích nuôi tôm xem ghép chưa thu hoạch tại xã Giang Hải bị ngập úng 223 ha (thiệt hại từ 25-30%)…
Để ứng phó với mưa bão, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản, các địa phương hướng dẫn người dân khẩn trương di chuyển các lồng, bè nuôi thủy sản đến nơi an toàn; thu hoạch sớm diện tích thủy sản để giảm mật độ tránh rủi ro thiệt hại do mưa lũ; gia cố đảm bảo an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã trực tiếp về các địa phương kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ cũng như triển khai các phương án phòng chống bão số 6 trong nghững ngày tới. Lãnh đạo các địa phương cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo ứng phó bão. Kiểm tra, rà soát, cảnh báo các lều trại, khu vực nuôi trồng thủy sản trên đầm phá; đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lưới điện, thông tin liên lạc; dự trữ lương thực, thực phẩm, mì ăn liền và các nhu yếu phẩm khác để ứng phó với mưa bão. |
Bài, ảnh, clip: Hà Nguyên