Chìm trong nước lũ

Trao vội ít lương thực, thực phẩm chống đói cho bà con vùng lũ

Khi chúng tôi trở về các địa phương này, đợt lũ thứ 2 do ảnh hưởng của bão số 8 lại bắt đầu ngấp nghé, chực chờ đe dọa vùng đất nghèo thấp trũng này. Băng trên những tuyến đường còn sặc mùi bùn đất, cây cối hoa màu đều trơ trọi. Nhiều nhà dân đang lục tục chùi rửa, dọn dẹp và cố vớt vát những gì còn sót lại sau lũ. 

"Thứ trôi được thì đã trôi, từ heo ca gà vịt, thứ chi còn lại cũng hư hết con ơi. Tivi, tủ lạnh, máy giặt, nói chung đồ điện tử là chừ thành đồ đồng nát", mệ Thiện ở làng Phò Trạch, xã Phong Bình thẩn thờ nói.

Trong mấy ngày nước lũ dâng cao, dàn máy thêu may của anh Nguyễn Văn Hào, ở làng Mỹ Phú, xã Phong Chương bị ngập trong nước giờ cũng thành đồ phế liệu. Sau nhiều năm bôn ba học nghề, làm ăn ở Sài Gòn, cách đây khoảng 5 năm, anh Hào về lại quê hương, lập doanh nghiệp nhỏ nhận các đơn hàng thêu may chuyển đi các nơi. Dành dụm và vay mượn được số tiền hơn hai trăm triệu đồng, anh đầu tư máy móc, thuê thêm nhân công để làm. Sau đợt bị ảnh hưởng nặng do dịch COVID-19, anh vẫn cố cầm cự. Nhưng hiện giờ, trận lụt đã lấy đi hết vốn liếng. Anh Hào nghẹn ngào: "Trắng tay thiệt rồi!".

Khi nhiều nơi nước đã rút, một số tuyến đường, nhà dân ở 3 xã Hoà- Bình- Chương vẫn còn ngập sâu. Nhiều đoạn thuộc Quốc lộ 49B qua xã Phong Hoà, Phong Bình chưa thể lưu thông. Một số vùng như Ma Nê, Phú Lộc (Phong Chương), Trạch Phổ, Phước Tích (Phong Hoà), Vĩnh An, Siêu Quần, Phò Trạch (Phong Bình)... vẫn còn bị cô lập. Việc đi lại của bà con rất khó khăn, chủ yếu bằng ghe, đò. Nhiều trường học chưa thể tiếp tục đón học sinh đi học trở lại.

Ông Nguyễn Ngọc Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Phong Bình cho biết: 100% nhà dân bị ngập trong trận lụt vừa qua. Nhà ngập sâu nhất 1,8m, những nhà có nền cao nước ngập khoảng 0,4m. Ai cũng xót xa vì bao nhiêu tiền của, công sức bà con làm lụng giờ bị nước cuốn trôi, nhấn chìm. Từ đồ dùng, vật dụng, xe máy... đến gia súc, gia cầm, các hồ cá, tôm đều trôi theo màn nước. Thiệt hại chưa thể tính được vì hầu hết nhà dân, trường học, đường sá ở Phong Bình đều bị tổn thất. 

"Bà con giờ đang rất cần gạo và cầu mong các nhà hảo tâm hỗ trợ để kịp thời chống đói. Vì lúa đã ướt hết, các máy xay xát trên địa bàn đã bị hư hỏng do ngâm nước", ông Khánh nhắn nhủ.

Còn người là còn của

Đúng là sau trận lũ kéo dài suốt gần 1 tuần lễ, nhiều gia đình, cơ sở sản xuất hầu như đều trắng tay. Nhưng với tinh thần "còn người còn của", mọi người dân vùng lũ đang cố gắng vực dậy, bắt tay làm lại từ đầu.

Tuy hàng hóa trong quầy tạp hóa của hai vợ chồng bị ướt sạch, nhưng anh Nguyễn Văn Trãi, ở Phong Chương vẫn lạc quan: "Đúng là không ai có thể cưỡng lại được thiên tai. Nhưng thua keo này ta bày keo khác, phải tự mình cứu mình, không thể trông chờ, ỷ lại nguồn cứu trợ, hỗ trợ của những tấm lòng thiện nguyện, nhà hảo tâm".

Nhà bà Nguyễn Thị Thuyến, ở thôn Lương Mai, xã Phong Chương cũng cùng chung số phận như nhiều gia đình khác, bà chỉ kịp cứu được cặp lợn nái, còn gần chục con lợn thịt, mấy chục con gà đều bị chết. Mấy chục tạ lúa thu mua để xay gạo bán bị ngâm nước hiện giờ đang được hai vợ chồng bà Thuyến kiểm tra xem liệu vớt vát được chừng nào. hay chừng đó. Bà Thuyến buồn rầu: "Xót của lắm, nhưng còn nước còn tát, cứ đổ ra sấy tạm, đợi nắng lên phơi khô lại. Người ăn không được thì thôi làm thức ăn cho heo, gà, vịt chứ chừ bỏ đi uổng phí lắm. Tới khi giáp hạt mới biết khốn khó như răng!"

Tình người trong lũ

Chị Quỳnh Chi cùng một số doanh nhân trẻ trên địa bàn tỉnh đang "chạy đua" về tận vùng lũ Hoà - Bình - Chương để trao áo phao cho bà con phòng đợt lũ mới

Kịp kê đồ đạc lên cao và cũng may nước lũ chưa làm hư hỏng, thiệt hại gì trong nhà, anh Nguyễn Đức Trung, cán bộ UBND xã Phong Chương tạm yên tâm việc gia đình và quay sang vận động các nhà hảo tâm được hơn 1 tấn gạo. Dù nước trong làng vẫn còn ngập sâu, anh kêu gọi, huy động thanh niên, anh em, bạn bè làng Đại Phú chèo ghe đi phân phát, hỗ trợ cho các nhà bị ngập lụt.

"Một miếng khi đói bằng một gói khi no, làm được chừng mô giúp bà con tạm ấm bụng là mình và các nhà hảo tâm sẵn sàng và tiếp tục huy động, sẻ chia", anh Trung trò chuyện.

Quỳnh Chi, chủ doanh nghiệp Cây xanh Hương Lộc và người bạn Sương Lan, ở TP. Huế cùng một số doanh nhân trẻ trên địa bàn tỉnh trong mấy ngày qua cũng đã mua hàng trăm chiếc áo phao mang về tặng cho bà con ở vùng rốn lũ xã Phong Bình. 

Ngoài lương thực, thực phẩm, thuốc men..., áo phao là vật dụng rất thiết thực đối với người dân ở những vùng ngập lụt. Dù mất của cải, nhưng còn tính mạng là có thể ổn định lại cuộc sống, dù sẽ chậm hơn, khó khăn hơn. Từ suy nghĩ này, những chiếc áo phao cứu sinh của Sương Lan, Quỳnh Chi... là món quà cứu trợ ý nghĩa đã và đang về với bà con. Trong những ngày 15, 16/10, các chị vẫn đang "chạy đua" không kể ngày đêm để cấp phát áo phao, một ít đèn pin đến tận tay cho bà con trước khi có dự báo đợt mưa lũ sắp sửa lại về.

Rất rất nhiều những tấm lòng thiện nguyện, nhà hảo tâm trong tỉnh và đồng bào xa quê vẫn đang hướng về khúc ruột miền Trung, hướng về bà con Thừa Thiên Huế và trong đó có hàng ngàn hộ dân vùng rốn lũ Phong Hoà -  Phong Bình - Phong Chương của huyện Phong Điền với mong muốn động viên, sẻ chia chút tấm lòng để bà con vượt qua khó khăn, vững tin khôi phục cuộc sống.

Bài, ảnh: Hoài Thương