Những đề tài của các bộ phim trong liên hoan đề cập đến nhiều khía cạnh, góc khuất và những số phận của con người trong bối cảnh không gian của xã hội Việt Nam đương đại. Bên cạnh việc trình chiếu các tác phẩm, còn diễn ra hai workshop làm phim thơ Haiku với đạo diễn phim người Đức Werner Penzel và workshop làm phim mở về điện ảnh độc lập do nghệ sĩ Síu Phạm trình bày. Liên hoan là một sự kế thừa và phát triển từ những lần tổ chức trước đó như Mini Doc Festival 2012 và 2013 cũng do Viện Goethe tổ chức. Sự kiện này là một trong những chương trình văn hoá nghệ thuật tiêu biểu, thu hút đông đảo những nhà chuyên môn và các bạn trẻ yêu mến đối với loại hình nghệ thuật này.
Diễn ra từ ngày 29/10 đến ngày 04/11/2014 tại Viện Goethe Hà Nội, Liên hoan Phim tài liệu thử nghiệm (Documentary & Experimental Film Festival) quy tụ 24 tác phẩm theo trường phái phim thử nghiệm. Tham dự workshop là các học viên của Trung tâm phim Doclab và một số nhà làm phim trẻ Hà Nội; về phía Trường đại học Nghệ thuật Huế cũng đã cử nghệ sĩ Phan Lê Chung, giảng viên Media khoa Hội Họa tham gia chương trình theo lời mời của Viện Goethe Hà Nội.
|
Đa phần các tác giả có phim trong liên hoan đều là những nhà làm phim trẻ, đã thể hiện được nhiều góc nhìn mới lạ về hiện thực của cuộc sống, điều này được thể hiện thông qua những góc quay sáng tạo, những cú bấm máy với nhiều khuôn hình táo bạo, tạo nhiều hiệu quả thị giác cũng như ấn tượng đối với người xem. Dường như ở mỗi bộ phim đều bắt gặp những hình ảnh cô đọng và sâu lắng, đánh thức bản ngã. Đó là hình ảnh của cậu bé trong phim: “Đi mà hỏi khu vườn” (Go ask the garden) của tác giả Đồng Thảo, hay một cô bé đi tìm khoảng trống ký ức trong phim: “Hồ sơ 1953” (Case 1953) của tác giả Nguyễn Thuỷ Tiên. Bộ phim: “Bước qua biên giới” (Step across the border) của tác giả Nicolas Humbert & Werner Penzel là sự biểu hiện đầy ngẫu hứng giữa âm nhạc và hình ảnh, Phim: “Phía sau màn bạc” (Behind the screen) của tác giả Aung Nwai Htway (Myanma) lại đem đến cái nhìn trớ trêu, bi kịch trong một gia đình minh tinh màn bạc những năm đầu thập niên 60…
Đặc biệt, liên hoan phim lần này có nhiều tác phẩm đã đạt giải trong các liên hoan phim quốc tế và khu vực, như: “Mặt trời đen” (Black Sun), đạt giải tại Liên hoan phim ngắn quốc tế Oberhausen (Đức) của đạo diễn Trương Quế Chi; “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm (giải “Special Mention” Liên hoan Phim tài liệu Đông Nam Á ChopShots 2014 tại Jakarta Indonesia) “Căn phòng của mẹ” của đạo diễn Siu Quý (giải Best Unique Vision tại Liên hoan Phim Queen World Film Festival ở New York)…
Cũng trong khuôn khổ chương trình, hội thảo với nhóm nghiên cứu phim FSG tại Viện Goethe và Trường đại học Khoa học Xã hội và nhân văn Hà Nội đã được tổ chức. Đây là một trong những nhóm bạn trẻ tâm huyết với các thể loại phim thể nghiệm mới hiện nay. Hội thảo đi sâu nghiên cứu về nghệ sĩ Chris Marker - một trong những tác giả có tầm ảnh hưởng đến các trào lưu phim thể nghiệm cũng như phim tài liệu sau này - thông qua các tác phẩm kinh điển của ông.
Workshop làm phim thơ Haiku với nghệ sĩ người Đức Werner Penzel tại viện Goethe Hà Nội
|
Khép lại liên hoan phim là những cuộc thảo luận và đối thoại giữa các nhà làm phim với công chúng thưởng lãm. Các tác giả cũng trình bày những ý tưởng cũng như chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn trong quá trình làm phim của họ, đặc biệt đối với những nhà làm phim độc lập thì sự khó khăn sẽ nhân lên rất nhiều lần.
Thông qua cuộc đối thoại, khán giả cũng phần nào hiểu và thông cảm hơn đối với các nhà làm phim trẻ trong con đường chinh phục sự nghiệp của mình. Dẫu biết con đường thực hành đối với thể loại phim thử nghiệm này sẽ còn gặp nhiều chông gai nhưng họ đã thực sự dấn thân.
Trao đổi bên lề, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội, TS. Almuth Meyer - Zollitsch đánh giá cao giá trị nội dung và đề tài hết sức sâu sắc của các nhà làm phim trẻ, bà cũng mong muốn trình chiếu rộng rãi các tác phẩm này đến với các tỉnh thành khác trong cả nước, kế hoạch công chiếu lần tới là ở Huế, Viện Goethe và Trường đại học Nghệ thuật Huế phối hợp để thực hiện chương trình này.
|
Phan Lê