Người dân được xét nghiệm COVID-19 tại thủ đô Paris, Pháp. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong khi đó, các quốc gia châu Âu đã tăng cường những biện pháp hạn chế trong cuộc sống hàng ngày, nhằm giải quyết số ca nhiễm COVID-19 đang tăng vọt, với mức tăng 44% về số ca bệnh trong tuần này, sự gia tăng đang chạm đến mức báo động.

Tờ CNA ngày 19/10 đưa tin, số người tử vong ở châu Âu đã khiến khu vực này trở thành khu vực hứng chịu ảnh hưởng nặng nề thứ 2, sau Mỹ Latinh và Caribe, nơi số người tử vong đã vượt qua mốc 350.000 người.

Cụ thể, Vương quốc Anh vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực châu Âu về số người tử vong, chiếm gần 1/5 số người tử vong trên lục địa này. Trong khi đó, Pháp báo cáo gần 30.000 ca nhiễm mới trong ngày 18/10, gần với kỷ lục 32.427 ca nhiễm được ghi nhận trong ngày 17/10. Khoảng 1.900 bệnh nhân COVID-19 hiện đang được chăm sóc đặc biệt.

Chính phủ Pháp đã áp dụng lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau, trong ít nhất 1 tháng tại 9 thành phố, bao gồm cả thủ đô Paris, một phạm vi có 20 triệu người. Những người vi phạm lệnh giới nghiêm này sẽ phải đối mặt với mức phạt 135 euro (tương đương 158 USD), trừ khi họ chứng minh được lý do chính đáng.

Bên cạnh đó, Chính phủ Thụy Sĩ cũng cho biết, họ sẽ bắt buộc việc đeo khẩu trang ở tất cả những địa điểm công cộng trong nhà, bắt đầu từ ngày hôm nay (19/10), đồng thời cấm tập trung trên 15 người, trong số những biện pháp hạn chế khác.

Tại Italy, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã công bố một loạt các biện pháp mới nhằm giải quyết số ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng, với những hạn chế đối với các quán bar và nhà hàng, cũng như thúc đẩy tăng cường làm việc từ xa.

Một nghiên cứu mới tại Nhật Bản vừa phát hiện ra rằng, virus SARS-CoV-2 vẫn có thể hoạt động trên da người trong vòng 9 giờ đồng hồ. Trong khi đó, virus gây ra bệnh cúm chỉ tồn tại trên da người trong khoảng 1,8 giờ đồng hồ, theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Clinical Infectious Diseases.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, rửa tay thường xuyên là cách tốt nhất để chống lại đại dịch COVID-19. Nghiên cứu nhấn mạnh: “Sự tồn tại lâu hơn của virus SARS-CoV-2 trên da làm tăng nguy cơ lây nhiễm qua tiếp xúc; tuy nhiên, vệ sinh tay có thể làm giảm nguy cơ này”.

Thanh Ngân (Lược dịch từ AFP & CNA)