Ngoại trừ một số tượng chân dung, nhân vật và tranh cắt - ghép dán từ giấy và vật liệu có sẵn (ready - made), về cơ bản và đặc trưng riêng của nghệ thuật Điềm Phùng Thị chính là các tác phẩm biến tấu từ 7 mô-đun (Module) do bà sáng tạo nên.

 

Ngoài tham quan tác phẩm, nhà trưng bày Điềm Phùng Thị hiện còn thiếu quầy lưu niệm - quà tặng. Ảnh: T.Ninh

 

 

Ngoài tên gọi mô-đun, các học giả còn gọi chúng với tên gọi khác là 7 nốt nhạc, 7 mẫu tự. Do có cấu trúc hình thể tương đồng và khả năng kết hợp theo các thể thức đăng đối: phản chiếu, xoay, xoay trượt, tịnh tiến và tiệm biến theo chiều dọc và ngang nên sự kết hợp giữa chúng rất đa dạng, phong phú và gần như bất tận. Điều này đã chứng minh qua rất nhiều tác phẩm của Điềm Phùng Thị tại Pháp và Việt Nam từ điêu khắc tạo hình, tượng đài hoành tráng cho đến điêu khắc ứng dụng trên đồ trang sức nhỏ bé, tinh xảo.

 

Có thể tạo ra nhiều sản phẩm

 

Hiện nay, Nhà trưng bày các tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị đã được tu sửa khang trang, hiện vật trưng bày khá phong phú. Nếu có cơ chế quản lý hợp lý, nhân sự đúng, hoạt động chuyên môn tốt như bài Cần một cơ chế năng động và linh hoạt (Báo Thừa Thiên Huế Cuối tuần, số 772) đã nêu thì đây sẽ là “đại bản doanh” để tiếp tục biến tấu những mô-đun của Điềm Phùng Thị thành những tác phẩm, sản phẩm ứng dụng phục vụ cộng đồng, đồ lưu niệm- quà tặng dành cho du khách tham quan, trò chơi lắp ghép cho thiếu nhi.

 

Tại Pháp, đã có 36 tượng đài của Điềm Phùng Thị được dựng lên trong nhiều công viên ở các thành phố lớn. Và chúng ta cũng may mắn có một đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ được tạo dựng tại huyện Hương Trà khi nghệ sĩ Điềm Phùng Thị còn sống. Đài tưởng niệm có kích thước lớn nhất và là tác phẩm duy nhất gắn với ý nghĩa của một công trình văn hóa - xã hội ở Việt Nam. Tạp chí Hội Kiến trúc Việt Nam đánh giá đây là một công trình mang tính nghệ thuật cao.

Khi trao đổi vấn đề này, thạc sĩ Lê Bá Cang - chuyên gia về gốm, người từng cộng tác với Nhà trưng bày tác phẩm Điềm Phùng Thị để dạy trẻ em khuyết tật nặn gốm lưu ý rằng hiện nay tại Nhà trưng bày tác phẩm Điềm Phùng Thị có một lò gốm nung bằng gas không sử dụng đã lâu. Nếu lò gốm này hoạt động trở lại sẽ có thể mở các workshop tạo hình gốm rất thú vị, thu hút nhiều người tham gia. Ngoài ra các mô-đun của tác phẩm của bà rất dễ tạo tác bằng khuôn, nên nếu được cộng tác, họa sĩ Lê Bá Cang sẽ giúp cơ sở này cho ra lò nhiều sản phẩm gốm lưu niệm-quà tặng cho du khách và cộng đồng.

 

Chúng ta có thể phát triển những mô-đun này thành những tượng đài hoặc quy hoạch thành cụm ghế đá, tượng, đèn vườn, đài phun nước cho một công viên nào đó trong thành phố, có thể đặt tên Điềm Phùng Thị. Điều này đòi hỏi bàn tay và khối óc sáng tạo của những nghệ sĩ thị giác, kiến trúc sư chuyên nghiệp thông qua các cuộc thi hay đề tài nghiên cứu. Sự gia tăng giá trị nghệ thuật thông qua sản phẩm ứng dụng từ tác phẩm của Điềm Phùng Thị cũng gần gũi, không xa lạ với các trào lưu của các nhà thiết kế thời trang, kiến trúc, nội thất, đồ họa lấy cảm hứng từ phong cách thời trang của thập niên 20 thế kỷ trước như tranh G. Klimt, tranh của P. Mondrian... từ đó tạo sự khác biệt cho TP Huế và quảng bá nghệ thuật Điềm Phùng Thị.

 

Thúc đẩy mỹ thuật phát triển

 

Quầy lưu niệm-quà tặng là một hình ảnh quen thuộc khi chúng tôi tham quan một số bảo tàng, trung tâm nghệ thuật các nước trong khu vực và quốc tế như SAM (Singapore Art Museum), Center Georges Pompidou (Pháp)... Đây là một xu thế kinh doanh chủ đạo nhằm tăng nguồn thu và quảng bá văn hóa, nghệ thuật. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng vậy. Hàng năm chúng tôi dẫn sinh viên thăm quan, nghiên cứu tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam luôn là điểm đến đầu tiên của đoàn chúng tôi. Và thường là sau khi tham quan các phòng trưng bày, điểm cuối cùng chúng tôi đến là quầy lưu niệm, quà tặng để tìm mua một món quà nào đó.

 

Rất nhiều món để lựa chọn từ những tuyển tập dày dặn như: tranh sơn mài, tranh lụa, tranh sơn dầu, tranh đồ họa Việt Nam đến áo phông, bưu ảnh (postercard), những bộ bình trà giả cổ...

 

Tại Trung tâm Lê Bá Đảng cũng đã có quầy bán lưu niệm-quà tặng dành cho khách tham quan. Đây là một hoạt động kinh doanh xã hội hóa do Công ty Mỹ Cư đảm trách. Quầy thiết kế đẹp, sang trọng, tuy nhiên khi đưa vào hoạt động thì hiệu quả không cao. Lý giải vấn đề này, có nhiều nguyên nhân từ số lượng khách tham quan ít, vị trí quầy khá kín đáo, nội dung hoạt động chưa phong phú nhưng theo chúng tôi, mấu chốt là thay vì xác định hàng lưu niệm-quà tặng giá vừa và rẻ dành cho mọi người thì các sản phẩm ở đây phải được bán với giá cao, thuộc loại hàng độc, cao cấp dành cho số ít. Sự xuất hiện quầy hàng này cho thấy sự nỗ lực muốn đa dạng hóa dịch vụ và mong muốn cải thiện tình hình tài chính tại cơ sở này. Điều này Ban điều hành tại Nhà trưng bày tác phẩm Điềm Phùng Thị cũng phải nghiên cứu, học tập và rút kinh nghiệm.

 

Hiện nay, Sở Văn hóa-TT&DL đang ban hành Dự thảo Đề án triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính Phủ về Quy hoạch phát triển mỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

Theo chúng tôi, cơ chế quản lý, điều hành, mô hình hoạt động và phát triển của Nhà trưng bày tác phẩm Điềm Phùng Thị cũng cần được xem xét, bàn thảo kỹ càng từ các cơ quan hữu quan, chuyên gia và nghệ sĩ để xây dựng một thiết chế văn hóa trong đó hai cơ sở này là những tác nhân cộng, thúc đẩy ngành mỹ thuật Thừa Thiên Huế phát triển năng động, linh hoạt và hiệu quả, bản sắc song hành cùng thời đại. Những điều gợi ý nêu trên chỉ có thể thành hiện thực khi chính quyền có một chiến lược phát triển mỹ thuật đúng đắn.

Xuân Huy