73 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung và sửa chữa nhà cho Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng
Chánh án TAND tỉnh- Nguyễn Văn Bường và các lãnh đạo TAND tỉnh quyên góp cho người dân bị thiên tai
Chánh án TAND tỉnh - Nguyễn Văn Bường cho biết: Trụ sở TAND một số huyện và nhiều gia đình cán bộ, công chức, người lao động TAND hai cấp cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại lớn do lũ lụt đợt này. Nhưng để chia sẻ với sự hi sinh to lớn của liệt sỹ và hỗ trợ người dân bị thiên tai; cán bộ, công chức, người lao động đã quyên góp, ủng hộ với tổng số tiền 50 triệu đồng.
Dịp này, TAND tỉnh cũng phối hợp với một số mạnh thường quân trên địa bàn, ủng hộ Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chanh (do TAND tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời) ở huyện Phong Điền số tiền 23 triệu đồng phục vụ sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại do lũ lụt. “Trong ngày mai, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát, sơn, sửa lại ngôi nhà cho mẹ Chanh”, ông Nguyễn Văn Bường nói.
Ủng hộ 30 triệu đồng cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt
Cán bộ, công chức Văn phòng UBND tỉnh quyên góp hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, lụt bão
Với tinh thần "tương thân, tương ái", bà Trần Thị Hoài Trâm – Chánh Văn phòng UBND tỉnh kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng UBND tỉnh chung tay, góp sức chia sẻ những đau thương, mất mát và những khó khăn của người dân bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra trong thời gian qua với số tiền ủng hộ mỗi người tối thiểu từ một ngày lương.
Buổi quyên góp đã nhận được hơn 30 triệu đồng.
Dịp này, Văn phòng UBND tỉnh cũng tổ chức quyên góp ủng hộ gia đình liệt sĩ Phạm Văn Hướng (Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền Cổng Thông tin điện tử tỉnh), là một trong 13 cán bộ, chiến sỹ trong đoàn cứu hộ đã hy sinh do sự cố sạt lở đất nghiêm trọng trên đường đi cứu 17 công nhân Thủy điện Rào Trăng 3.
Lực lượng quân đội giúp dân dọn vệ sinh môi trường
Sư đoàn 968, Quân khu 4, đã điều động 400 cán bộ, chiến sĩ cùng hàng trăm cán bộ chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tham gia khắc phục lũ lụt tại TP. Huế, Thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền…
Mặc dù trời đang mưa nặng hạt nhưng các chiến sĩ phải mang áo mưa dùng cuốc, xẻng để nạo vét những lớp bùn dày đặc, thu gom những ụ rác ùn ứ, sau đó dùng xe tải để chở đi.
Các cán bộ, chiến sĩ dùng xẻng để nạo vét những lớp bùn dày đặc
Sau khi dọn bùn ở các tuyến đường chính, lực lượng quân đội sẽ tiếp tục giúp người dân vệ sinh, thu dọn bùn đất tại các trường học, trạm y tế, các trục đường giao thông, sửa chữa nhà cho các gia đình chính sách, neo đơn bị hư hỏng do mưa lũ dài ngày gây ra, để giúp dân khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống.
Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Với phương châm nước rút đến đâu dọn sạch đến đó, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 968 và lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã cùng người dân dọn dẹp vệ sinh các công trình công cộng ; giúp các hộ gia đình dọn dẹp nhà cửa, vận chuyển tài sản sơ tán trở về. Tại các trường học của các địa phương, nước đã rút dần, các cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 968 và LLVT tỉnh tích cực dọn bùn, vệ sinh phòng học và các trang thiết bị để các em có thể sớm đến trường học tập trở lại.
Trong những ngày tới, các cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 968 và LLVT tỉnh sẽ tiếp tục giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt để sớm ổn định cuộc sống.
Gia cố thêm các điểm sạt lở ở Phú Vang, Phong Điền
Tiếp tục đồng loạt ra quân gia cố tại các điểm sạt lở
Ông Nguyễn Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết: Chính quyền địa phương phối hợp lực lượng bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, Hải đội 2 biên phòng và người dân tiếp tục gia cố thêm 5 điểm sạt lở khác với 22 nghìn bao cát. Ngoài ra, người dân hỗ trợ thêm khoảng 3 nghìn bao cát để gia cố các điểm xung yếu trên địa bàn.
Trước đó, liên tục trong nhiều ngày, các lực lượng đã gia cố đê bao, đắp bao cát tại các vị trí xâm thực với tổng chiều dài khoảng 500m. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã kiểm tra công tác gia cố đê, kè, chống sạt lở, xâm thực ở xã Phú Thuận vào ngày 19/10, đồng thời có những chỉ đạo sát thực với tình hình địa phương.
*Gần 100 người dân, cán bộ UBND huyện Phong Điền, xã Phong Hải và chiến sỹ Đồn Biên phòng Phong Hải đã ra quân khắc phục tạm thời sự cố sạt lở bờ biển.
Huy động máy cày chở cát tới hiện trường
Ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Phong Hải thông tin, bão lũ đã làm khoảng 3km bờ biển thuộc các thôn Hải Thế, Hải Phú, Hải Nhuận, Hải Thành, Hải Đông bị sạt lở. Điểm nặng nhất ở thôn Hải Thành, biển đã xâm thực sâu vào đất liền 40m và chỉ còn cách nhà dân khoảng 15m, uy hiếp khoảng 62 hộ dân toàn xã. Hiện nay, UBND xã cho gia cố bằng bao cát, hạn chế tình trạng sạt lở và phòng chống cơn bão số 8.
Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, trước mắt, huyện huy động lực lượng, phương tiện để gia cố những điểm sạt lở xung yếu; đồng thời có kế hoạch di dời người dân vùng sạt lở khi có bão lũ xảy ra. Về lâu dài, huyện sẽ đề nghị tỉnh kiến nghị với Trung ương cấp kinh phí làm kè chống sạt lở.
Khẩn trương khắc phục sạt lở bờ biển Phong Hải. Clip Hải Huế
Trao 630 suất quà cho người dân A Lưới
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện A Lưới cùng đại diện các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm đã đến các địa phương của huyện A Lưới trao tặng người dân vùng bị ngập lụt, sạt lở do ảnh hưởng của mưa lũ.
Các phần quà được trao tặng đến người dân trong ngày 20/10
630 suất quà gồm gạo và nhiều nhu yếu phẩm cần thiết, do Ban trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam huyện A Lưới, các nhà hảo tâm đến từ Bình Phước, Huế, Hội đồng hương A Lưới tại TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ. Bình quân mỗi suất trị giá khoảng 300 nghìn đồng. Các suất quà đợt này được trao cho người dân các xã: Hồng Thủy, Hồng Hạ, Hương Nguyên, Hồng Thái, A Roàng và thị trấn A Lưới.
Hiện, huyện A Lưới đã thông báo đến các tổ chức, đơn vị và các nhà hảo tâm thông tin tiếp nhận ủng hộ bão lụt qua Quỹ cứu trợ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, nhằm thống nhất đầu mối, tiếp nhận các đóng góp để chuyển đến người dân các địa phương.
Nhiều tổ chức hỗ trợ cho Phong Điền
Ông Hoàng Văn Thái (ngoài cùng bên phải), Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền trao quà cho các hộ dân Điền Hòa
Hội đồng hương làng Hiền Sỹ ở các tỉnh phía Nam hỗ trợ bà con 3 thuyền máy, 10 áo phao, gần 4 tấn gạo và các nhu yếu phẩm khác với kinh phí hơn 100 triệu đồng.
Ông Hoàng Chiến, người dân làng Hiền Sỹ, đang sinh sống ở TP.HCM cho biết, món quà tuy không lớn, nhưng là tấm lòng thơm thảo gửi bà con quê hương để mọi người dân trong thôn cứu trợ, cứu nạn khi có lũ lớn xảy ra...
Cùng ngày, UBND huyện Phong Điền hỗ trợ 1.000 áo phao cho 16 xã thị trấn. Quỹ tấm lòng Việt cũng đã hỗ trợ 40 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng tiền mặt cho 40 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng lũ lụt của xã Điền Hòa. Ngoài ra, rất nhiều tổ chức khác về thăm, tặng quà trực tiếp cho người dân vùng lũ Phong Điền.
Trao 100 suất quà tặng chị em phụ nữ khó khăn trong lũ lụt
Đại tá Hà Văn Ái, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh trao 100 suất quà tặng chị em phụ nữ khó khăn trong lũ lụt
Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã đến Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trao 100 suất quà tặng chị em phụ nữ gặp khó khăn trong lũ lụt, mỗi gia đình 10kg gạo và thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh để tiếp nhận và phân phối.
Thay mặt cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh, Đại tá Hà Văn Ái, Phó Chính ủy gửi lời thăm hỏi, động viên và chia sẻ khó khăn với những gia đình chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra.
Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cảm ơn tình cảm mà Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh cùng cán bộ, chiến sĩ đã chia sẻ với gia đình các chị em phụ nữ bị ảnh hưởng do lũ lụt vừa qua, đồng thời cho biết số gạo trên sẽ được Hội LHPN Phụ nữ tỉnh nhanh chóng chuyển đến các gia đình chị em khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Trao gạo và quà cho người dân Phú Vang, Phú Lộc
Thượng tá Phạm Tùng lâm, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh (phải) tặng quà cho các hộ khó khăn
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp Báo Sài Gòn Giải Phóng, Công ty Intimex trao tận tay người dân thị trấn Thuận An (Phú Vang) và xã Vinh Hiền (Phú Lộc) đang gặp khó khăn về lương thực, 4 tấn gạo.
Tại Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An và Đồn Biên phòng Vinh Hiền, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã phối hợp với Báo Sài Gòn Giải phóng tặng 200 suất quà cho các gia đình neo đơn, gặp hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá hơn 60 triệu đồng. Mỗi suất quà là 20kg gạo, đặc biệt các hộ khó khăn được tặngthêm tiền mặt để tiếp sức cho các cháu đến trường.
Một số khách sạn miễn phí ăn ở, cho đoàn cứu trợ Một đoàn cứu trợ được khách sạn ở Huế miễn phí chỗ nghỉ, ăn uống Nhiều ngày qua, khi nhiều nơi của Huế ngập sâu, chìm trong mưa lũ, khách sạn Hue Classic Hotel (142 Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế) tấp nập những đoàn cứu trợ từ TP. Hồ Chí Minh lưu trú khi ra Huế cứu trọ. Chủ khách sạn là chị Lê Thị Tú Trinh đã miễn phí toàn bộ cho các đoàn cứu trợ. Chị là một trong những chủ khách sạn ở Huế phát động chương trình hỗ trợ miễn phí lưu trú cho các đoàn cứu trợ khắp cả nước đến Huế để hỗ trợ bà con vùng lũ. Sau hai ngày, nhiều đoàn cứu trợ đã đăng ký lưu trú từ đây đến hết tháng 10. Chị Trinh còn hỗ trợ miễn phí anh em phóng viên ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đến Huế đưa tin về lũ lụt, thiên tai trong dịp này. Chị nói thêm, đã dặn nhân viên phải phục vụ các đoàn chu đáo như những vị khách hàng ngày, không phân biệt. “Giúp các anh chị từ xa đến Huế có một giấc ngủ ngon, lấy lại sức khoẻ là điều cần làm trong lúc này. Mong sao nhiều khách sạn cũng hưởng ứng để cùng sẻ chia, giúp mọi người đi gieo duyên đến bà con thiệt hại mùa lũ dữ”, chị Trinh chia sẻ. Từ phong trào kêu gọi các khách sạn hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho các đoàn, đến nay đã có hơn 20 khách sạn cùng 300 phòng dành cho các đoàn cứu trợ. Không những thế, có hơn 30 địa chỉ thuê xe tải, xe du lịch miễn phí khi đi trao quà cho bà con vùng lụt. Hội Doanh nhân trẻ Huế còn hỗ trợ cho các đoàn mượn áo phao nhằm đảm bảo an toàn đi khi vào các vùng còn ngập sâu trao quà, cung cấp thông tin các đầu mối địa phương… Phước Ngô |
Tin, ảnh: Nhóm PV, CTV