Bác sĩ CKII Trần Thị Ngọc

Kỳ thị và phân biệt đối xử tiếp tục là nguyên nhân hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao, những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm và là những rào cản đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS đã được Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định.

Những năm qua, Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn đặc biệt quan tâm đến công tác chống kỳ thị và phân biệt đối xử. Chương trình tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức chung về HIV/AIDS cho người dân, về kỳ thị, phân biệt đối xử, làm rõ tác hại của kỳ thị, phân biệt đối xử đối với xã hội nói chung và công cuộc phòng, chống AIDS nói riêng. Nội dung tập trung vào việc giải thích cho người dân hiểu về khả năng lây truyền của HIV, nhất là làm rõ HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường và giải thích tại sao HIV lại không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường…Đa dạng hóa các phương pháp truyền thông, lồng ghép nội dung chống kỳ thị, phân biệt đối xử vào tất cả các hoạt động truyền thông về HIV/AIDS. Mặt khác, tăng cường các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về HIV/AIDS, trong đó nhấn mạnh các quy định về chống kỳ thị và phân biệt đối xử; tổ chức nhiều hoạt động truyền thông với sự tham gia của người nhiễm HIV, tạo điều kiện cho các nhóm người nhiễm HIV tổ chức các hoạt động truyền thông trong cộng đồng; mở rộng các hoạt động chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV và gia đình họ, nhân rộng các mô hình hoạt động có sự tham gia của người nhiễm HIV và gia đình, cải thiện hình ảnh của người nhiễm HIV/AIDS tiến tới bình thường hóa sự có mặt của người nhiễm HIV trong cộng đồng.

Chúng ta đã đạt được những thành quả như thế nào về công tác chống kỳ thị và phân biệt đối xử người nhiễm HIV/AIDS?

Trước đây, tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng này giảm rõ rệt, người nhiễm HIV/AIDS đã hòa nhập vào cộng đồng, họ có công việc ổn định và có thu nhập để đảm bảo cuộc sống, tỷ lệ người nhiễm chủ động tiếp cận dịch vụ điều trị thuốc kháng virus ngày càng cao (chiếm 92% trong số được quản lý). Một số ít trường hợp trẻ nhiễm HIV bị trở ngại trong việc đến trường nhưng nay học sinh nhiễm HIV hoặc có người thân nhiễm HIV được đến trường bình thường, các gia đình có người nhiễm HIV có được sự cảm thông chia sẻ của cộng đồng.

Bà có thể nói rõ những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện chống kỳ thị và phân biệt đối phòng chống HIV/AIDS sắp đến?

Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội, đặc biệt là người dân đã có nhận thức và thái độ đúng đắn đối với người nhiễm. Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo (2015-2020), hầu hết các nguồn viện trợ thông qua các dự án sẽ bị cắt giảm hoàn toàn. Nguồn chương trình mục tiêu quốc gia sau năm 2015 phòng, chống HIV/AIDS không còn; ngân sách địa phương mặc dù đã có nhiều cố gắng, đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS hàng năm tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu các mục tiêu đề ra. Việc duy trì, phát triển các thành quả của công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và chống kỳ thị, phân biệt đối xử nói riêng sẽ khó khăn là điều không tránh khỏi.

Dù gặp nhiều khó khăn, chúng ta cần phải chung tay đấu tranh chống lại tư tưởng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Bởi HIV/AIDS là tình trạng bệnh lý, cần phải được quan tâm chia sẻ và chăm sóc, điều trị. Mục tiêu này tuy thách thức nhưng hết sức nhân văn, nếu thực hiện được rõ có ý nghĩa to lớn không chỉ với sức khỏe, tính mạng của con người mà với cả sự phát triển ổn định kinh tế xã hội của địa phương, của quốc gia. Với quyết tâm cao, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được.

Cám ơn bà!

Minh Văn (thực hiện)