Dốc sức khôi phục sản xuất là nhiệm vụ hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Tranh thủ nước rút, nông dân ra đồng thăm ruộng, chuẩn bị vật tư khôi phục sản xuất

Ra đồng khi nước rút

Tranh thủ trời mưa tạnh, nước rút, có nắng nhẹ, nhiều địa phương huy động nông dân ra đồng khắc phục bão lũ, từng bước khôi phục sản xuất.

Tại HTX NN Đông Phú (Quảng An, Quảng Điền), hàng năm đưa vào sản xuất 350 ha lúa/vụ với năng suất đạt 70-72 tạ/ha. Việc tổ chức khôi phục sản xuất, xử lý đồng ruộng sau mưa lũ để chuẩn bị vụ mùa tiếp theo là khâu hết sức quan trọng sau lũ.

Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc HTX NN Đông Phú thông tin, ngay sau khi nước rút, HTX chỉ đạo các xã viên tranh thủ đồng ruộng còn ngập nước nhẹ, chuột co cụm lên các vùng cao, tổ chức diệt chuột bằng mọi biện pháp để hạn chế mật độ, giảm gây hại khi bước vào vụ đông xuân.

Chính quyền địa phương Quảng An cùng HTX NN cũng tranh thủ nước rút, kiểm tra hệ thống đê bao nội đồng, các điểm xung yếu để có kế hoạch tu sửa, gia cố kênh mương, khơi thông dòng chảy; nạo vét bồi lắp, vệ sinh  thu gom rác thải, tàn dư cây trồng do lũ lụt để tiêu hủy và chuẩn bị sản xuất.

 “Vựa rau” Quảng Thành có 32 ha các loại của hơn 750 hộ dân tham gia trồng với thu nhập bình quân 400 triệu đồng/ha. Vụ mùa năm nay, do mưa lớn kéo dài, nước đổ về trắng đồng khiến nhiều diện tích rau bị dập nát, mất trắng. Ngay sau khi nước rút, bà con nông dân ra đồng tiếp tục khơi thông dòng chảy để nước rút khô nhằm nhanh chóng tổ chức sản xuất trở lại.

Ông Ngô Hợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Thành cho biết, đối với diện tích rau,  địa phương khuyến cáo người kiểm tra, thu hoạch “vớt vát” nhằm giảm thiệt hại. Thu gom các cây rau màu bị thiệt hại nặng để tiêu hủy, tranh thủ khi thời tiết trở lại bình thường thì tranh thủ làm đất để gieo trồng. Đối với diện tích thiệt hại nhẹ, tiến hành chăm sóc, trồng dặm để cây phục hồi, phát triển. Sau khi nước rút, cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng ngay, thu gom tàn dư cây trồng, rác thải để tiêu hủy.

Tổ chức kiểm tra, khơi thông dòng chảy kênh mương, những nơi bồi lấp để tiêu thoát nước nhanh. Những vùng đất ruộng thấp cần tăng cường bón vôi bột (20-30kg/sào) để tiêu hủy nguồn bệnh, thau chua rửa phèn trước khi trồng mới. Cán bộ kỹ thuật của HTX cũng theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại khác để có biện pháp quản lý và phòng trừ trên diện hẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nông dân ra đồng khắc phục sản xuất, tranh thủ chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo

Chủ động nguồn giống

Sau trận “bão” khảm lá sắn, nhiều vùng trồng sắn ở Phong Điền, Nam Đông, A Lưới bị khan hiếm nguồn giống do phần lớn diện tích sắn phải tiêu hủy để phòng dịch bệnh lây lan trên diện rộng, gây hại cho mùa vụ sau.

Tại xã Phong Hiền (Phong Điền) có khoảng 150 ha sắn bị thiệt hại do ngập úng, trong đó nhiều diện tích bị mất trắng hoàn toàn, tập trung ở 2 thôn Bắc Triều Vịnh và Triều Dương. Nguồn giống sắn lâu nay người dân vốn tự túc.

Ông Trần Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết, sau khi nước rút, địa phương đã vận động các hộ dân lựa chọn các cây sắn sinh trưởng phát triển tốt, chưa có biểu hiện bệnh khảm lá để làm giống trồng cho niên vụ 2021. Bảo quản và theo dõi chặt chẽ các hom để làm giống nhằm phát hiện sớm bệnh khảm lá để tiêu hủy.

Khuyến cao người dân tuyệt đối không sử dụng các cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá làm hom giống tránh tình trạng bùng phát dịch như mùa vụ năm 2020. Cán bộ kỹ thuật cũng tăng cường kiểm tra các đối tượng sinh vật gây hại để khi xuống giống vụ mới để có biện pháp phòng ngừa, xử lý.

Hiện tại, ngoài tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc đưa vào sản xuất các giống cây ngắn ngày và triển khai trồng mới, chính quyền địa phương các cấp còn phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại, hỗ trợ khôi phục sản xuất và chủ động cân đối nguồn giống cây trồng, vật nuôi cho mùa vụ tiếp theo.

Đối với cây lúa, hàng năm nguồn giống lúa tại các HTX luôn chủ động bởi dù trời lụt người dân vùng trũng vẫn có phương án bảo quản tốt nguồn lúa giống để tái sản xuất sau lũ. Các địa phương, HTX cũng chuẩn bị đầy đủ vật tư, giống để sản xuất vụ đông xuân tới; tiến hành rà soát, cân đối nguồn giống tự sản xuất đăng ký mua giống xác nhận để gieo cấy và dự phòng gieo cấy lại khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi.

Ông Hồ Đắc Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin, đánh giá ban đầu cho thấy hiệt hại do mưa lụt gây ra đã làm thiếu hụt lượng giống rau màu để cung ứng cho sản xuất vụ Đông 2020 và vụ Đông Xuân 2020-2021.

Nhằm khắc phục thiệt hại, tạo điều kiện hỗ trợ cho bà con nông dân tại các địa phương khôi phục sản xuất, giảm bớt khó khăn, chi cục đang tiếp tục phối hợp với các địa phương nắm bắt cụ thể, tổng hợp tình hình thiệt hại để tham mưu Sở NN&PTNT đề nghị các cơ quan, ban ngành cấp trên hỗ trợ thiệt hại cho bà con nông dân theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9 tháng 1 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Năm nay diện tích nuôi trồng thủy sản ít thiệt hại hơn do người dân đã chủ động thu hoạch và Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản, các địa phương hướng dẫn người dân khẩn trương di chuyển các lồng, bè nuôi thủy sản đến nơi an toàn; gia cố đảm bảo an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển, ven sông, suối; đối với những diện tích có thể thu hoạch thì thu hoạch sớm để giảm mật độ, tránh rủi ro thiệt hại do mưa lũ.

Bài, ảnh: Hà Nguyên