Bệnh viện Trung ương Huế ứng dụng kỹ thuật hiện đại trong khám, chữa bệnh

“Chỉ nói được một câu: Tuyệt vời!”

Sự tuyệt vời ấy được bà Nguyễn Thị Kiều Anh (TP. Đông Hà, Quảng Trị) chia sẻ. Từ Quảng Trị, một tháng nay bà Kiều Anh vào Bệnh viện Trung ương Huế chăm sóc chồng là ông Nguyễn Q. V. bị u thực quản. Sau ca phẫu thuật, ông V. đang được tiếp tục theo dõi điều trị tại Khoa Ngoại nhi và Cấp cứu bụng.

Từ tháng 5/2020, sau khi một phòng khám dịch vụ tại TP. Đông Hà nghi ngờ ông V. có khối u trong thực quản, gia đình bà Kiều Anh quyết định vào Bệnh viện Trung ương Huế để khám, xác định và tìm hướng điều trị. Từ đó đến nay, tuy không liên tục tại viện và được chuyển điều trị qua các khoa, nhưng đến đâu bà Kiều Anh cũng cảm nhận được sự yên tâm để sát cánh, động viên chồng lạc quan điều trị.

“Ông V. là người đầu tiên trong gia đình chúng tôi đến điều trị bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế. Lạ người lạ chốn nhưng vô đây rồi, cả nhà yên tâm hẳn vì không quá xa nhà, lại có bác sĩ giỏi và có nhiều kỹ thuật tốt. Ở đây, dù có lo lắng cho sức khỏe của chồng nhưng nhờ có bác sĩ thường xuyên hỏi thăm, các điều dưỡng, hộ lý ai cũng nhẹ nhàng, dễ chịu, nên chúng tôi cảm thấy rất an tâm”, bà Kiều Anh vui vẻ. Nằm trên giường bệnh, ông V. không thể nói nhưng luôn yêu thương nhìn về phía vợ và gật đầu mỗi lần bà cười. Sự ấm áp lan tỏa cả phòng bệnh.

Nhân viên y tế Bệnh viện Trung ương Huế chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 nặng

Từ TP. Đồng Hới (Quảng Bình), chị Hoàng Thị Hiền cũng không chần chừ, đưa con gái Nguyễn Hoàng Hà T. (12 tuổi) vào Bệnh viện Trung ương Huế sau những cơn đau đầu kéo dài. Tại thời điểm nhập viện, Hà T. đau đầu dữ dội. Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ xác định bé bị viêm màng não do vi khuẩn, tình trạng rất nguy hiểm. Hơn một tháng được theo dõi điều trị tại Trung tâm Nhi, Hà T. đã khỏe mạnh nhiều, tỉnh táo và rất vui vẻ.

Nhìn con cười trên giường bệnh, chị Hiền lạc quan: “Mình đưa con vô thẳng Bệnh viện Trung ương Huế không phải vì không tin tưởng các bệnh viện tuyến dưới. Thấy con đau đầu dữ dội mình rất sợ, chỉ nghĩ phải vào Huế và vào nhanh nhất có thể mà thôi. Từ xa về đây, cái chi cũng lạ nhưng được các cô các bác trong khoa quan tâm, hỏi han thường xuyên nên rất ấm áp, không có chi phải lo lắng nữa”.

Kiên định với mục tiêu

Những năm gần đây, Bệnh viện Trung ương Huế không ngừng nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. So với thời điểm 5 năm trước, tổng số lần khám bệnh lên đến 3,2 triệu lượt, tăng 28%; tổng số bệnh nhân điều trị nội trú tăng 30%; tổng số trung, đại phẫu và phẫu thuật đặc biệt tăng 15%. Bệnh viện Trung ương Huế đã tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Y tế, các nguồn lực quốc tế, đầu tư nhiều công trình hạ tầng cơ sở mang tầm chiến lược với 10 trung tâm và khu nhà kỹ thuật cao ODA Nhật Bản, tạo diện mạo một bệnh viện hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế.

Nhìn lại 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW, ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 11-NQ/TU, ngày 26/3/2012 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về xây dựng Trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước, Bệnh viện Trung ương Huế đã đạt nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết đề ra: Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân tỉnh nhà và khu vực; điểm sáng trong triển khai nhiều kỹ thuật cao về chẩn đoán và điều trị chuyên sâu, ngang tầm khu vực và quốc tế, như: Ghép tim, gan, thận, tế bào gốc, giác mạc, thụ tinh trong ống nghiệm, phẫu thuật nội soi 3D, 4K, điều trị ung thư...

Bên cạnh Bệnh viện Trung ương Huế - đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn, Thừa Thiên Huế sẽ rà soát lại hệ thống y tế để y tế địa phương sánh vai, xứng tầm với y tế Trung ương, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước.

Thời gian tới, Thừa Thiên Huế tiếp tục xây dựng đồng bộ và nâng cao năng lực các thiết chế y tế chuyên sâu. Tạo điều kiện để phát triển Bệnh viện Trung ương Huế cùng với Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế về y tế. Đồng thời, hoàn thiện mạng lưới y tế gắn với chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Trong đó, tập trung kiện toàn hệ thống tổ chức mạng lưới y tế cơ sở; 100% trạm y tế đạt chuẩn, có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế công cộng; 100% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, Thừa Thiên Huế sẽ rà soát hệ thống y tế địa phương để từng bước hình thành các tuyến, điểm điển hình trong khám chữa bệnh. Đây sẽ là những vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế, được Bệnh viện Trung ương Huế hỗ trợ để phát triển. “Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng y tế thành ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng với 5 mũi đột phá: đào tạo nguồn nhân lực, phát triển IT trong y tế, phát huy vai trò khám chữa bệnh, xây dựng các trung tâm nghiên cứu xứng tầm và nghiên cứu phát triển đông y”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Bài: ĐỒNG VĂN - Ảnh: BVCC