Đại dịch ngày càng thu hẹp cơ hội việc làm của nữ giới. Ảnh minh họa: Người Lao động
Theo đó, báo cáo Phụ nữ thế giới 2020 cho thấy thế giới chỉ đạt được những thành tựu khiêm tốn về quyền và trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Cùng với đó, theo những thước đo về việc làm và bạo lực gia đình, tình hình vẫn không có nhiều tiến triển kể từ báo cáo đầu tiên được công bố cách đây 25 năm.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thông tin trong một phát biểu rằng: “Sự tiến bộ hướng đến quyền bình đẳng cho phụ nữ vẫn còn khó nắm bắt. Chưa có quốc gia nào đạt được mục tiêu bình đẳng giới và đại dịch COVID-19 có nguy cơ sẽ làm xói mòn những thành quả đạt được vốn đã vô cùng ít ỏi”.
Trong một thông tin có liên quan, báo cáo cũng chỉ ra rằng trong khi nam giới có nguy cơ tử vong do những vấn đề liên quan đến COVID-19 cao hơn thì phụ nữ lại có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Vấn đề đáng lo ngại hơn khi phụ nữ chiếm đến 70% lực lượng y bác sĩ làm việc ở tuyến đầu chống dịch.
Ngoài ra, lệnh phong tỏa và hạn chế cũng làm gia tăng nguy cơ bạo lực gia đình. Dữ liệu thống kê đã chỉ ra rằng 18% phụ nữ được hỏi cho biết họ đã trải qua bạo lực thể chất và/hoặc bạo lực tình dục từ bạn đời trong 12 tháng vừa qua.
Thêm vào đó, không đạt được tiến bộ trong việc giáo dục cho phái nữ để cải thiện đời sống nghề nghiệp và tài chính là một trong những nguyên nhân gây thất vọng khác.
Cụ thể, mặc dù số trẻ em trai và gái học tiểu học và trung học là ngang nhau và nhiều nữ giới theo học đại học hơn nam giới, song theo mức trung bình toàn cầu, chưa đến ½ số phụ nữ trên toàn cầu được tuyển dụng trong thị trường lao động. Trong khi có đến ¾ nam giới trên thế giới có việc làm.
Khoảng cách giữa nam và nữ về mức độ tham gia thị trường việc làm được xem là tương đương với dữ liệu của năm 1995, khi các thành viên của Liên Hiệp Quốc cam kết cải thiện quyền của phụ nữ. Một cam kết tương tự đã được nhất trí vào năm 2015 hướng đến đạt được mục tiêu vào năm 2030 cũng có thể sẽ không có hiệu quả.
Trong đó, mức độ tham gia vào thị trường việc làm của nữ giới đặc biệt thấp hơn ở Nam Á, Bắc Phi và Tây Á - nơi tỷ lệ này giảm xuống dưới 30%. Tỷ lệ phụ nữ nắm các chức vụ quản lý chỉ tương đương với năm 2015. So với 25 năm trước, hiện chỉ ghi nhận thêm 8 nguyên thủ nữ.
Đan Lê (Lược dịch từ Dw News)