Ủy ban MTTQVN tỉnh thăm hỏi và trao quà, nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ ở thị xã Hương Trà

Đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn

Những ngày mưa lũ giữa tháng 10 vừa qua, chuyến ghe của cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh và cơ sở liên tục vượt lũ đến với người dân tại các vùng ngập nặng ở Hương Trà, Hương Thủy… Tại mỗi nơi đến thăm, ngoài những phần quà hỗ trợ và động viên kịp thời, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Nguyễn Nam Tiến còn dặn dò kỹ bà con không chủ quan, lơ là để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản.

Với các gia đình có người thân mất do lũ lụt, đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh cũng có mặt kịp thời động viên và sẻ chia mất mát với thân nhân.

Anh Nguyễn Văn M., chồng của sản phụ không may lật ghe mất trên đường đến bệnh viện xúc động chia sẻ, sự động viên kịp thời của Mặt trận, các cấp chính quyền và nhiều nhà hảo tâm đã giúp các con anh có thêm chi phí sinh hoạt, ăn học.

Theo thống kê sơ bộ, từ nguồn Quỹ cứu trợ tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã phân bổ gần 10,9 tỷ đồng tiền mặt và 5.000 thùng mì gói cho Ban cứu trợ các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời hỗ trợ gần 100 triệu đồng cho những trường hợp bị thương, qua đời…

Mặt trận còn giữ vai trò “cầu nối” giữa các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân với người dân vùng lũ. Tính đến ngày 20/10, Mặt trận tỉnh đã tiếp nhận hơn 22,3 tỷ đồng tiền mặt ủng hộ. Thông qua kênh Mặt trận, các đơn vị đã phân bổ số hàng hóa cứu trợ với tổng trị giá hơn 7,68 tỷ đồng.

Tại buổi lễ tiếp nhận ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bão lụt do Mặt trận tỉnh tổ chức, nhiều doanh nghiệp tin tưởng Mặt trận các cấp sẽ chuyển số tiền và hàng hóa cứu trợ kịp thời đến người dân vùng lũ; tiếp tục phát huy vai trò là địa chỉ tin cậy của các nhà hảo tâm hướng về cộng đồng.

Đoàn cứu trợ của Ủy ban MTTQVN tỉnh vận chuyển mì gói đến Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà

Đúng người, đúng đối tượng

Thời gian qua, với tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia với đồng bào khó khăn, nhiều đoàn cứu trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trực tiếp đến cứu trợ tại nhiều vùng lũ. Đây là hành động thiết thực và kịp thời, thể hiện tinh thần “Lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam. Tuy nhiên, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp như hiện nay, việc các đoàn cứu trợ trực tiếp đến vùng lũ là vô cùng nguy hiểm.

Thực tế đã xảy ra những tai nạn đáng tiếc với những người đi cứu trợ. Đó là trường hợp của hai cha con chèo ghe chở hàng hóa cứu trợ người dân tại xã Phong Bình (huyện Phong Điền) không may bị lật ghe vừa qua. Tuy được mọi người nỗ lực cứu giúp, nhưng ông Nguyễn Hữu Quyết (80 tuổi) vẫn không may qua đời. Hay vừa qua, UBND huyện A Lưới cũng thông báo không tiếp nhận các đoàn từ thiện đến cứu trợ trong những ngày mưa lớn do tuyến Quốc lộ 49B thường xuyên xảy ra sạt lở. Điều đó cho thấy, công tác cứu trợ người dân vùng lũ tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không có các lực lượng chức năng và phương tiện chuyên dụng hỗ trợ.

Hiện nay, việc di chuyển đến các vùng rốn lũ vẫn gặp nhiều khó khăn nên lượng hàng hóa hỗ trợ người dân nhận được vẫn còn hạn chế, dẫn đến việc phân bổ hàng hóa không đồng đều tại nhiều địa phương.

Trao đổi vấn đề trên, đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN - Ban cứu trợ tỉnh cho biết, rất trân trọng cảm ơn, ghi nhận tấm lòng và sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ chân tình, quý báu của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đối với người dân Thừa Thiên Huế. Song để công tác cứu trợ, hỗ trợ người dân vùng lũ đến đúng đối tượng, đảm bảo an toàn về tính mạng cho người đi cứu trợ, các tổ chức, nhà hảo tâm khi đi cứu trợ, hỗ trợ trực tiếp cho người dân nên thông qua Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể ở địa phương để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Nguyễn Nam Tiến khẳng định, số tiền đơn vị tiếp nhận sẽ được phân bổ hợp lý đến người dân vùng lũ. Với các đơn vị đăng ký ủng hộ hàng cứu trợ, Mặt trận các cấp sẽ giữ vai trò “cầu nối” để đảm bảo phân bổ đồng đều, đúng người và đúng đối tượng, tránh lãng phí.

Bài, ảnh: MINH NGUYÊN