Để du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn, đòi hỏi Huế phải có cách làm mới, cách tiếp cận phải quyết liệt và phù hợp. Và theo các chuyên gia, Huế cần có một quy hoạch phát triển du lịch mới gắn với Nghị quyết 54.
Định hướng phát triển du lịch Huế gắn với Nghị quyết 54
Tập trung mới thành mũi nhọn
TS. Trần Xuân Châu, Bộ môn Kinh tế chính trị Việt Nam, Trường ĐH Kinh tế Huế góp ý, đã xác định du lịch là ngành kinh tế thì phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc thị trường, lấy khách hàng làm chủ thể. Cung ứng những gì khách cần, chứ không phải những gì Huế có. Do đó, phải đánh giá lại các giải pháp, “ứng xử” phù hợp. Chỉ khi xác định rõ, cách tiếp cận xứng tầm “mũi nhọn” mới đưa du lịch trở thành mũi nhọn.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, Nghị quyết 54 đã định hướng Huế phát triển nhanh trên nền tảng tri thức, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa; trong đó, lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, y tế là ngành quan trọng công nghiệp, công nghệ thông tin là đột phá, giáo dục đào tạo là nền tảng, nông nghiệp bền vững là lâu dài.
“Do đó, trong thập niên tới, Thừa Thiên Huế phải phấn đấu, tập trung thực hiện để du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Với tính chất là ngành kinh tế tổng hợp, du lịch bao hàm hết tất cả, nên du lịch không thể làm một mình, riêng lẻ, các ngành khác phải chung sức. Quan điểm xuyên suốt trong phát triển được khẳng định là du lịch văn hóa - di sản là thế mạnh và tiến tới du lịch bền vững và thông minh. Du lịch Huế phải phát triển theo hướng chất lượng, đẳng cấp, có đặc thù riêng”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
Ngoài Nghị quyết 54, dịch bệnh COVID-19 là một tác động không nhỏ đến quá trình phát triển. Những tác động bên ngoài sẽ nhiều hơn; sự cạnh tranh về điểm đến lớn hơn; nhu cầu đi du lịch cũng có sự thay đổi ít nhiều… đòi hỏi có sự nghiên cứu và giải pháp tương ứng.
Theo các chuyên gia, với quy hoạch, định hướng phát triển trong giai đoạn mới này, phải đặt trong quy hoạch chuỗi, gắn với các tỉnh miền Trung, dựa trên những thế mạnh để bổ sung, tránh cạnh tranh. Với du lịch Huế, trong giai đoạn trước mắt cần xác định cạnh tranh dựa trên lợi thế so sánh, điều mà chúng ta vẫn đang vượt trội so với nhiều đối thủ cạnh tranh. Đó chính là cách giúp thoát khỏi “vị trí nguy hiểm nhất”.
Ưu tiên gỡ 2 nút thắt
Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho biết, thời gian đến, ngành sẽ ưu tiên phát triển du lịch văn hóa di sản làm nòng cốt, đặc trưng để xây dựng sản phẩm, điểm đến du lịch. Trọng tâm là tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch cả ngày và đêm ở Quần thể Di tích Cố đô Huế, nhất là khu vực Đại Nội phục vụ du khách. Từng bước tái hiện không gian văn hoá cung đình; khai thác sản phẩm văn hoá qua các kỳ Festival Huế như Lễ hội áo dài, ẩm thực Cung đình Huế và một số sản phẩm cung đình đặc sắc khác. Đồng thời, chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ và điểm đến vệ tinh, nhất là các hình thức du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm... và đặc biệt là đẩy mạnh hơn nữa phát triển du lịch biển đảo để thu hút du khách, giảm thiểu áp lực lên các di tích văn hóa.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ, trong phát triển sản phẩm có hai con đường, thứ nhất là làm mới sản phẩm cũ, thứ hai là phát triển các sản phẩm mới. Với các sản phẩm hiện có của Huế đã tương đối tốt, nhưng đòi hỏi có sự đổi mới, nhất là văn hóa – di sản. Cần nghiên cứu lại quy hoạch phát triển sản phẩm, định hướng các ưu tiên 1, 2, 3… Từ đó, có chính sách thu hút đầu tư, chính sách về hạ tầng đất đai, tài chính... |
TS. Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đánh giá, nhiều năm theo dõi du lịch Huế, một bài toán rất khó cho Huế là làm sao giải quyết được giữa bảo tồn di sản và phát huy giá trị mà không để Huế nghèo? Làm sao để phát huy di sản một cách hài hòa với bảo vệ? Huế đã có Nghị quyết mới của Bộ Chính trị và điều cần nữa là cơ chế, những hỗ trợ mang tính đặc thù để giúp Huế thực hiện nhiệm vụ bảo tồn di sản và vừa phát triển kinh tế. Khi đó mới giúp Huế rút ngắn chênh lệch phát triển với các địa phương trong 5 - 10 năm tới.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin, đơn vị đang xây dựng quy hoạch bảo tồn di sản và quy hoạch phát triển dịch vụ đến 2030. Ông Mai Xuân Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, trong kế hoạch phát triển sắp tới, một phần dịch vụ sẽ do trung tâm đảm nhận và sẽ thu hút đầu tư, mà phải là nhà đầu tư lớn để đẩy mạnh phát triển dịch vụ. Dù thế, “nút thắt” cần gỡ là chính sách, cơ chế trong thu hút đầu tư vào di sản và những điều kiện đầu tư thật chi tiết. Nếu vẫn là cơ chế, cách làm cũ trong thu hút đầu tư ở di sản thì thật khó để thay đổi.
Tín hiệu tích cực đối với việc phát triển dịch vụ trong di sản khi tại hội nghị góp ý đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; cơ chế, chính sách sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều bộ, ngành Trung ương đã thống nhất việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo thế và lực mới cho Huế phát triển; trong đó, cho phép tỉnh được quyết định hình thức và phương án lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án đầu tư tôn tạo, quản lý và khai thác di sản.
Hạ tầng giao thông là “nút thắt” quan trọng thứ hai cần tập trung khắc phục, nhất là hàng không. Khoảng 80% du khách đi du lịch di chuyển bằng hàng không, đặc biệt khách quốc tế đạt gần 100%.
Một minh chứng điển hình về phát triển du lịch, yếu tố hạ tầng giao thông được tính đến đầu tiên là Laguna Lăng Cô. Theo ông Ho Kwon Ping, người sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Banyan Tree Holdings and Resorts Pte (chủ đầu tư Laguna Lăng Cô), lý do mà ông quyết định đầu tư khu nghỉ dưỡng ở xã Lộc Vĩnh, Phú Lộc không phải là cơ chế, mà sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu ông nhận thấy khu vực này nằm giữa và cách 2 sân bay Đà Nẵng và Phú Bài chỉ khoảng 30 – 40km.
Với thời cơ, vận mệnh mới và cả những thách thức mới... hy vọng du lịch Huế rút được những bài học trước đó, có những cách làm đột phá để du lịch phát triển xứng tầm, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo PGS.TS. Bùi Thị Tám, quy hoạch du lịch chịu tác động trực tiếp từ những thay đổi có tính chiến lược chung của tỉnh. Do đó, cần có sự đổi mới sáng tạo trong cách tiếp cận, cũng như trình tự và phương pháp xây dựng quy hoạch du lịch. Trước khi triển khai xây dựng lại quy hoạch du lịch cần phải có quy hoạch tổng thể về phát triển đô thị Huế phù hợp với tình hình mới. Trên cơ sở đó mới tiến hành xây dựng quy hoạch phát triển du lịch. Hơn nữa, trong điều kiện còn nhiều hạn chế về nguồn lực đầu tư cho công tác quy hoạch, vấn đề quan trọng là phải sử dụng các nguồn lực hiện có một cách khôn ngoan, tránh tư duy rập khuôn, máy móc.
ĐỨC QUANG - Infographic: NGUYÊN LINH