Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục các tuyến bờ biển bị xâm thực
Tập trung khắc phục hệ thống đê điều, giao thông
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng đoàn công tác đã đến hiện trường đường QL49B, đoạn đường bị mưa lũ phá hoại từ Km41-Km43 đoạn từ Phú Dương (Phú Vang) đến cầu Tam Giang (TX. Hương Trà). Theo đại diện ngành Giao thông vận tải (GTVT), tuyến đường này có cao độ trên 3m, lần đầu tiên có lũ vượt qua.
Trong đợt lũ lịch sử vừa qua, chênh cao mực nước, cường độ nước chảy mạnh quá mức chịu đựng của kết cấu mặt đường khiến mặt đường bị bong bật, xói lở một đoạn khoảng 500m, tổng hợp trên toàn tuyến hư hỏng mặt đường khoảng 1,5km. Hiện, ngành GTVT đã chỉ đạo thông đường, san gạt thông đường 1 vệt, dọn rác, bèo lục bình, lắp dựng lại các đảo giao thông, biển báo bị hư hại.
Về khắc phục tuyến đường này, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu ngành GTVT và các địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp để sớm khôi phục lại hệ thống giao thông, dọn dẹp cây xanh, rác thải trên toàn tuyến. Đồng thời, báo cáo Tổng cục Đường bộ có phương án sửa chữa.
Tuyến QL49B về cầu Tam Giang bị hư hỏng nghiêm trọng do mưa lũ
Tiếp đến, đoàn công tác kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển ở các xã Giang Hải, Phú Thuận. Đợt mưa lũ vừa qua, bờ biển qua địa bàn tỉnh tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài hơn 10 km; đặc biệt bờ biển tại các xã Phú Thuận (Phú Vang), xã Giang Hải (Phú Lộc), xã Hải Dương (TX. Hương Trà) sạt lở nghiêm trọng 4km cần khắc phục khẩn cấp vì có nhiều đoạn xói lở sâu đến khu vực dân cư, đường giao thông 10-20m.
Chủ tịch UBND tỉnh hoan nghênh chính quyền sở tại đã nỗ lực huy động các lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác gia cố đê kè nhằm giảm thiểu sạt lở tại các bờ biển. Đồng thời chỉ đạo tăng cường các rọ đá, huy động lực lượng khắc phục ngay nhằm tiếp tục gia cố các điểm xâm thực. Về lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, do tính cấp thiết của việc phòng chống thiên tai, tỉnh đã đề nghị Chính phủ ưu tiên hỗ trợ khẩn cấp để thực hiện các dự án xử lý khẩn cấp xói lở bờ biển tại xã Phú Thuận, Giang Hải, Hải Dương dài 2,5km với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng. Khi được cấp kinh phí, tỉnh sẽ triển khai ngay việc làm kè, gia cố lại các điểm xâm thực, đảm bảo an toàn cho người dân.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đến kiểm tra các hệ thống đê điều, ruộng vườn bị bồi lấp, hư hại do mưa lũ tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung khắc phục để triển khai vụ đông xuân.
Không được chủ quan trước những cơn bão
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ đạo khắc phục QL49B nhằm thông thương
Hiện nay trên biển đông xuất hiện cùng lúc 2 cơn bão số 8 và số 9. Trước diễn biến thời tiết vô cùng phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của các cơn bão, tiếp tục hướng dẫn neo đậu và có phương án đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền tại các khu neo đậu, các cảng. Có phương án tổ chức tìm kiếm các nạn nhân thủy điện Rào Trăng 3 đảm bảo an toàn cho toàn bộ lực lượng, phương tiện cứu nạn khu vực này.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả các đợt mưa lũ vừa qua; tiếp tục thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó mưa bão, không được chủ quan nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển đến nơi an toàn; sơ tán dân các vùng thấp trũng, khu vực ngập úng đô thị.
“Các phòng ban chức năng, các địa phương rà soát các đối tượng dễ bị tổn thương: trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn trước thời điểm bão vào” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Cùng với đó, triển khai cắt tỉa cây xanh; đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh. Gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, công sở, các khu công nghiệp; đảm bảo an toàn hệ thống cần cẩu đang thi công; hệ thống thông tin liên lạc, các cột anten trên địa bàn tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi sát diễn biến mưa bão thực tế tại địa phương để chủ động cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn.
Công an tỉnh, Sở GTVT rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; nghiêm cấm các phương tiện giao thông lưu thông khi mưa lũ, gió mạnh xảy ra. Lực lượng vũ trang tỉnh và các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện huy động khi có yêu cầu.
Các chủ công trình hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện tổ chức trực ban theo dõi diễn biến của mưa lũ, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo vận hành an toàn công trình và an toàn vùng hạ du; các chủ đập thực hiện nghiêm túc vận hành các hồ chứa nước để đưa dần về mực nước đón lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tránh gây lũ đột biến cho vùng hạ du.
Bài, ảnh: Thái Bình