Nhà nghiên cứu, Nhà giáo ưu tú Trần Đại Vinh đóng góp nhiều ý kiến xung quanh vấn đề định hướng phát triển giáo dục
Tham dự có Ủy viên MTTQVN tỉnh, cán bộ lãnh đạo Mặt trận tỉnh qua các thời kỳ, đại diện Ủy ban MTTQVN các huyện, thị xã, thành phố, lãnh đạo các tổ chức thành viên Mặt trận tỉnh và đại diện các tổ chức tôn giáo.
Dự thảo các văn kiện công bố lấy ý kiến Nhân dân gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.
Tại hội nghị, các đại biểu đều đánh giá dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được biên soạn công phu, nghiêm túc, thể hiện được các mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh - quốc phòng, đối ngoại của cả nước trong 5 năm qua và thể hiện rõ định hướng trong 5 năm tới. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm cần được bổ sung, chỉnh sửa về phương hướng, mục tiêu phát triển nhiệm kỳ tới, các chương trình trọng điểm và các nhiệm vụ cụ thể.
Nhiều ý kiến của đại biểu quan tâm đến các vấn đề nổi lên trong dư luận xã hội hiện nay, nổi bật là lĩnh vực giáo dục và tài nguyên môi trường.
Về giáo dục, nhiều đại biểu cho rằng cần tập trung đổi mới căn bản nền giáo dục Việt Nam từ giáo dục phổ thông cho đến đại học. Nhà nghiên cứu, Nhà giáo ưu tú Trần Đại Vinh nhấn mạnh, nền giáo dục nước ta đang thiếu đi triết lý giáo dục, chưa được xây dựng trên nền tảng triết học giáo dục vững mạnh. Đây là vấn đề mà văn kiện đại hội cần chú trọng làm rõ và triển khai để có định hướng phát triển phù hợp trong thời gian tới.
Ông Phan Công Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh đồng tình cao với nội dung Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người mà Dự thảo Báo cáo chính trị đưa ra. Tuy nhiên, việc sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được ban hành và đang triển khai theo lộ trình đề nghị cần đánh giá cụ thể hơn, bởi lẽ việc mới thay sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021 khiến dư luận Nhân dân chưa thật đồng tình, có nhiều tâm tư, vướng mắc cần phải xem xét một cách nghiêm túc để chỉnh sửa hợp lý hơn.
UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Nguyễn Nam Tiến phát biểu tại hội nghị
Vấn đề quy hoạch khai thác tài nguyên cũng được nhiều đại biểu quan tâm, đặc biệt là việc quy hoạch các thủy điện “cóc” dẫn đến nhiều hệ lụy thời gian qua.
PGS. TS. Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử tỉnh lưu ý, cần đưa nguy cơ thiếu tài nguyên rừng và biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai do xây dựng các đập thủy điện đầu nguồn vào văn kiện đại hội để có những chủ trương, chính sách hợp lý trong thời gian tới. Tương tự, TS. Trần Thị Mai, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đồng tình với ý kiến trên và nhấn mạnh, cần rà soát lại quy hoạch khai thác tài nguyên, tránh tình trạng thiếu bền vững, thiếu giám sát.
Nhìn chung, các ý kiến của đại biểu đã tập hợp và phát huy được trí tuệ, quyền làm chủ của Nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, làm cho ý Đảng hợp với lòng dân.
Phát biểu kết thúc hội nghị, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN Nguyễn Nam Tiến cảm ơn các ý kiến tâm huyết, công phu và đầy trách nhiệm của đại biểu. Các ý kiến vừa định hướng chiến lược, vừa góp ý chi tiết đến Dự thảo Báo cáo chính trị. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tổng hợp đúng, đủ các ý kiến của đại biểu gửi lên cấp trên.
Tin, ảnh: Minh Nguyên