1. Tín chỉ

Hay được các sinh viên gọi thân thương là “chỉ”. Với mình thì nó có 2 công dụng chủ yếu là số đo lượng tích lũy đủ chỉ để tốt nghiệp và tính tiền. Thứ nhất về số lượng tích lũy để tốt nghiệp thì có thể tùy trường, thường 1 môn sẽ là 2-3 chỉ chiếm 45 tiết học và một kỳ bạn có thể học lên tới 7-8 môn; thứ hai về tính tiền sẽ chỉ ra cho bạn là học phí phù hợp, khả năng nhà bạn có thể chi trả cho mức học phí đó hay không, 1 chỉ có thể dao động từ 200-300 ngàn, 500-600 ngàn hoặc có thể lên tới cả triệu đồng tùy trường.

2. Các khoản tiền nằm ngoài học phí

Ngoài tiền học phí ở trên, bạn có thể mất thêm tiền khi tham gia các chương trình của trường hay CLB tổ chức để kiếm điểm rèn luyện như 10-15 ngàn đồng tiền vé xem các chương trình văn nghệ, hội thảo, làm các câu hỏi online,… Cái chi phí đáng kể hơn là những chi phí về các chứng chỉ ra trường như chứng chỉ tin học IC3, TOEIC, IELTS,… nó tốn tiền cho cả quá trình học và quá trình thi.

3. Chương trình học

Nếu ở THPT thì các bạn sẽ được học các chương trình học hoàn toàn giống nhau trên cả nước. Thì với đại học, các ngành khác nhau đã là một chương trình học hoàn toàn khác nhau nội trong một trường (Ví dụ như người học ngành Tài chính thì sẽ học các môn hoàn toàn khác với người học Marketing) nhưng vẫn sẽ có một vài môn đại cương bắt buộc mà các bạn học giống nhau. Không như THPT bạn phải học từ thứ 2 đến thứ 6, một ngày bạn có thể học 2 tiết toán, 2 tiết văn, 1 tiết lý..., lịch học ở đại học sẽ thưa hơn so với THPT, một tuần có thể bạn chỉ học từ 3-4 buổi và 1 buổi bạn chỉ học 1 môn duy nhất.

4. Thi cử

Ở đại học sẽ có 2 khái niệm đó là điểm quá trình và điểm cuối kỳ khá giống THPT. Nhưng với đại học thì sẽ khác hơn về việc chia tỷ lệ và có thể tùy giáo viên mà có thể chia thành 30-70, 40-60, 50-50 là những tỷ lệ tính điểm phổ biến nhất. Và cũng sẽ tùy trường mà học xong môn nào thi luôn môn đó, hay là học xong hết rồi mới thi. Nên hãy cố gắng phân bổ lịch học cho hợp lý và ý thức tự giác học cao chứ đừng để gần ngày thi rồi mới học là nguy cơ rớt môn rất cao.

5. Học bổng

Thật ra cơ hội lấy học bổng ở trên đại học thì nó không dễ cũng không quá khó. Thường sẽ có 2 tiêu chí để xét, đó là điểm học tập và điểm rèn luyện. Và sẽ tùy trường mà các tiêu chí khác nhau, ví dụ như điểm học tập trên 7 chấm thì có học bổng 50%, trên 8 chấm thì 100% và trên 9 chấm là 150%. Đi kèm với học tập là điểm rèn luyện thông qua các hoạt động tình nguyện, tham gia chương trình văn nghệ,… để tích lũy.

Đối với mình, thì học đại học rất thú vị vì nó giúp bạn va chạm với nhiều điều thú vị và mới lạ mà thời THPT chưa được từng được biết tới hay nghe tới. Ngoài những lần chạy deadline, thi cử, chạy chương trình mệt mỏi thì khoảng thời gian còn lại đều thoải mái. Chủ yếu bạn biết làm chủ bản thân, sắp xếp thời gian hợp lý và nỗ lực thì không gì là không thể. Hãy tận hưởng quãng thời gian là sinh viên thật trọn vẹn.

Tư Hạ