Trong ký ức những người dân bên kia phá Tam Giang, những chuyến đò dọc đi về thành phố Huế với quê nhà sẽ không bao giờ phai mờ. Không gian chật hẹp, thời gian thật dài của những chuyến đò trên sông nước mênh mông vừa mang lại cảm giác vừa ấm áp lại vừa lạnh lẽo. Trên những chuyến đò dài nửa ngày sông phá như thế, từng cảnh vật bên sông lâu ngày sẽ trở thành thân thuộc. Này là Bao Vinh phố cổ, này là cây thánh giá rêu phong trên nóc ngôi nhà thờ nơi ngã ba Sình, này là cửa Thuận An trắng xóa những con sóng từ biển khơi, này là những cây dừa cao
nghiêng bóng làng Dừa (Hải Dương) và những ai đi đò về những làng quê xứ Ngũ Điền thì không thể quên bóng cây dương liễu cổ thụ chợ Mới, xã Điền Hải, huyện Phong Điền.
Một người chú thân quen đã viết trên facebook của mình những dòng cảm xúc: “Ngày xưa đò Huế về Cồn Gai (Quảng Công) là thấy cây dương liễu chợ Mới. Sau bão, cây đã bị gãy đổ. Cây cổ thụ cao to nhất xã Điền Hải tồn tại hơn 60 năm nay trơ lại gốc. Cội nguồn của bao kỷ niệm cùng với những chuyến đò dọc... tiếc quá!”. Cùng với dòng cảm xúc này là những tấm ảnh, clip về cây dương cổ thụ đang được triệt hạ sau bão. Thiên tai không chừa một ai, cây dương liễu này cũng đã chống chọi bao nhiêu phen lụt bão cho đến cơn bão số 5 vừa qua thì đã không còn trụ nổi...
Đó là cây cổ thụ đứng trơ gan cùng tuế nguyệt suốt 60 năm qua. Cây đã lưu dấu bao nhiêu kỷ niệm của những người đi kẻ ở của vùng quê ven phá này. Cây đã là ký ức, là di sản trong lòng người dân quê. Cũng vì thế, dưới dòng cảm xúc và những tấm ảnh cây dương liễu đang triệt hạ là hơn một trăm bình luận của những người dân một vùng quê. Với họ mất cây dương liễu như mất một mảnh hồn quê, mất một thứ gì đó thật quý giá không định nghĩa được...
“Hồi xưa đi đò từ Huế về, thấy cây dương ở chợ Mới là biết, là mừng vì gần về đến nhà. Một trời kỷ niệm ùa về..”; “Ôi, tiếc quá! Nhìn mà thấy buồn nao nao như tiễn biệt một người thân!”; “Cây dương liễu như ngọn “Hải đăng” của bến đò chợ Mới thân yêu”. “Cây dương liễu này là cột mốc quê hương. Ngồi trên đò dọc về quê là ngóng từ xa, khi nó to và rõ dần thì biết là sắp được về tới nhà”...
Đọc những bình luận đầy cảm xúc này mới biết thiên nhiên, cây cối đã gắn bó khăng khít với con người như hình bóng, như máu thịt. Một khoảng trống giữa không gian làng quê khi cây dương liễu không còn tỏa bóng xanh tươi, như khoảng trống trong tâm hồn khi mất đi người thân quý.
Cây xanh không chỉ là bóng mát, là lá phổi xanh cho môi trường sống của con người. Cây xanh còn là ký ức đời sống; bởi như cây dương liễu này đã sống một đời cây dài như một đời người để biết bao tâm hồn người con quê nhà bên phá Tam Giang đã neo đậu mà quay về...
PHI TÂN