Dự án đầu tư cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão giai đoạn 1 đã hoàn thành

Khó nơi neo đậu

Xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển đánh bắt thủy sản với 56 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ và hơn 300 phương tiện ghe vùng bãi ngang. Nghề biển mang lại nguồn thu nhập lớn cho ngư dân nơi đây.

Năm 2000, nhằm tạo điều kiện cho ngư dân có nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn, âu thuyền Phú Thuận được xây dựng với nguồn kinh phí khoảng 3 tỷ đồng, công suất đậu đỗ khoảng 30-40 tàu. Năm 2003, trận bão lớn đã đánh sập hệ thống cầu cảng ở âu thuyền này khiến việc vận chuyển ngư lưới cụ, đi lại của ngư dân ra âu thuyền rất khó khăn.

Mặt khác, âu thuyền đang bị bồi lắng nghiêm trọng, chỉ dung chứa được những tàu nhỏ ra vào, những tàu lớn khi gặp mưa bão phải “di tản” đi các địa phương.

Ông Ngô Đức Hào, một ngư dân cho biết: “Chỉ cần nâng cấp âu thuyền, nạo vét luồng và xây dựng lại đường dẫn ra cầu cảng là ngư dân có chỗ neo đậu an toàn, giải quyết được lượng lớn tàu thuyền tại địa phương. Mùa mưa bão, ngư dân không phải lái thuyền đi tìm điểm đỗ nhiều nơi, vừa nguy hiểm vừa tốn chi phí xăng dầu”.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận thông tin, ngư dân xã biển hết sức khó khăn khi âu thuyền Phú Thuận đã xuống cấp.

Âu thuyền Phú Thuận nằm ở vị trí khá thuận lợi cho việc tàu thuyền tránh trú bão, được bảo vệ bằng những rừng cây, khu nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng chắn gió. “Hiện nay, ngư dân phải chủ động trong việc đưa tàu thuyền tránh trú bão bởi âu thuyền tại địa phương xuống cấp và các eo vịnh tự nhiên công suất nhỏ, chủ yếu tự phát nên không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão”, ông Tùy nói.

Không chỉ âu thuyền nhỏ, những âu thuyền có công suất lớn, được đầu tư bài bản cũng xuất hiện tình trạng bồi lắng, luồng lạch cạn gây khó khăn cho ngư dân tìm nơi trú đậu. Âu thuyền Phú Hải được đầu tư xây dựng với nguồn kinh phí trên 40 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 500 tàu thuyền của 3 xã và thị trấn của huyện Phú Vang (công suất dưới 400CV), nhưng từ khi được đưa vào sử dụng đến nay, khu vực neo đậu, tránh trú bão này liên tục bị bồi lắng, công suất chứa đã “lạc hậu” gây khó khăn cho hàng trăm tàu thuyền của ngư dân các địa phương đến tránh trú bão, đặc biệt trong đó có tàu sắt công suất lớn.

Phú Vang là huyện trọng điểm về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Trên địa bàn huyện có tổng số tàu thuyền đánh bắt có máy 1.156 chiếc, tổng công suất 112.485CV, trong đó tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90CV trở lên gần 300 chiếc, vì vậy nhu cầu neo đậu, tránh trú bão rất lớn.

Ngư dân “tùy nghi di tản” do luồng lạch các âu thuyền xuống cấp, bồi lắng

Đầu tư từng bước

Theo Sở NN&PTNT, thời gian qua đã và đang bố trí 300 tỷ đồng để đầu tư cho các dự án nâng cấp, xây dựng Cảng cá Thuận An, dự án (DA) sửa chữa nâng cấp khu neo đậu kết hợp cảng cá ở Phú Thuận và Phú Hải, đầu tư khu neo đậu ở vùng vịnh Hải Dương (Hương Trà) và nạo vét, chỉnh trị luồng lạch kết hợp đầu tư cảng cá ở Vinh Hiền (Phú Lộc).

DA khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp mở rộng cảng cá Thuận An được triển khai xây dựng từ năm 2014, chia làm 2 giai đoạn với tổng kinh phí gần 180 tỷ đồng. Giai đoạn 1 đã hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 40 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý DA Đầu tư Xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh- chủ đầu tư DA hiện nay, Sở NN&PTNT đã lập DA đầu tư cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão từ nguồn vốn bồi thường sự cố môi trường biển. DA hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ với các hạng mục đã đầu tư ở giai đoạn 1 để góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo các mục tiêu đầu tư ban đầu.

Theo đó, công trình sẽ đảm bảo quy mô để tàu cập bến và xuất bến đạt công suất tối thiểu 20.000 tấn/năm. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá để tiện lợi cho tàu thuyền cập bến bốc dỡ hàng hóa, bảo quản thủy hải sản; đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật theo quy định của EU cần tuân thủ như: đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu vực, có hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cấp điện, nước, hệ thống các kho bãi lưu trữ hàng, hệ thống nhà cấp đông, nhà máy nước đá, hệ thống nhà làm việc và các khu dịch vụ khác; đáp ứng nhu cầu neo đậu và tránh trú bão cho khoảng 500 tàu thuyền các loại có chiều dài từ 6m trở lên (công suất từ 45 đến 300 CV)...

Theo Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có 717 phương tiện tàu thuyền khai thác biển (trong đó có 420 tàu xa bờ, 228 tàu cỡ trung, 69 tàu cỡ nhỏ). Từ Nghị định 67/2014/NĐ-CP, trên địa bàn tỉnh đã đóng mới 40 tàu khai thác thuỷ sản có công suất từ 400 CV đến dưới 1.000 CV. Trên địa bàn còn có hơn 2.000 phương tiện bãi ngang ven biển, đầm phá. Các điểm tránh trú hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu neo đậu tàu thuyền trong mùa mưa bão nhưng nhiều điểm xuống cấp hạ tầng, bồi lắng luồng lạch là một trong những trở lực của ngư dân tại các địa phương. Toàn tỉnh hiện có các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, khu neo đậu kết hợp cảng cá như Thuận An, Tư Hiền, Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền, Hải Dương, Lộc Trì và 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên phục vụ tàu thuyền neo đậu.

Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Cảng cá Thừa Thiên Huế xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi neo đậu tại khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải. Chi cục Thuỷ sản phối hợp Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, xã vùng đầm phá ven biển kiểm tra tàu thuyền, quy định về trang thiết bị đảm bảo an toàn khi ra khơi, số lượng thuyền viên đi biển, ngư trường hoạt động, phối hợp khai thác hệ thống thông tin Duyên hải Huế đảm bảo thông tin liên lạc giữa đất liền và ngoài khơi.

Bài, ảnh: Hà Nguyên