Đến thời điểm hiện tại, Nam Đông vẫn chưa thống kê hết thiệt hại đối với diện tích rừng và cao su trên địa bàn, nguyên nhân là do những rừng cây nằm xa khu dân cư, người dân chưa lên kiểm tra được.

Nhiều cây bị gãy ngang gốc, không còn khả năng phục hồi

Thông kế ban đầu cho thấy, do ảnh hưởng bão số 9, trên địa bàn Nam Đông có 2.500 ha keo tràm, 1.500 ha cao su đang giai đoạn khai thác bị gãy đổ, thiệt hại đối với hai loại cây chủ lực này khá nặng nề.

Ông Nguyễn Phương Ha (thôn Phú Hòa, xã Hương Phú) trồng 6 ha cây cao su đã hơn mười năm nay. Cây cao su khi bị gãy đổ thì khả năng phục hồi rất thấp, tỷ lệ cho mủ khá ít. “Đây là trận bão dù là vùng ảnh hưởng nhưng hậu quả khá nặng nề. Vườn cây cao su nhà tôi trồng mới, tái tạo từ năm 2006 đến nay mới khai thác được vài năm xem như mất trắng”, ông Ha tiếc rẻ.

Nhiều hộ gia đình khác ở thôn Phú Hòa, Đa Phú, Hòa An… sau khi kiểm tra vườn cao su sau bão đều xót xa vì nhiều diện tích chăm bẵm bấy lâu bị bão làm hư hại. Nhiều hộ gia đình vẫn còn nợ ngân hàng, thiếu kinh phí tái sản xuất, phục hồi vườn cây sau bão.

Ông Dương Sang, trưởng thôn Phú Hòa thông tin, thống kê ban đầu toàn thôn có 32 ha cao su, 316 ha keo tràm, bị gãy đổ khoảng 50% diện tích, nhiều diện tích bị mất trắng hoàn toàn. 

Theo Chủ tịch UBND xã Hương Phú - Trần Bảo Thắng, toàn xã có 300 ha cao su, 600 ha keo bị gãy đổ. Trong đó, có vài chục ha cao su bị thiệt hại từ 50% diện tích trở lên. 

“Xã đang làm báo cáo bước đầu cho huyện. Cây cao su từ trước đến nay là cây mang lại sinh kế chủ yếu. Do vậy, sắp tới, ngoài đề xuất cấp trên hỗ trợ cho người dân, địa phương cũng lồng ghép vào các chương trình tái cơ cấu sản xuất đề giúp các hộ dân trồng mới, phục hồi vườn cây sau bão”, ông Thắng cho biết thêm.

600 ha keo tràm ở Nam Đông cũng thiệt hại  năng sau bão số 9

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo nông dân tạm ngừng khai thác, tập trung chăm sóc phục hồi vườn cây, căn cứ tình hình sinh trưởng phát triển của cây để bón phân bổ sung hoặc phun phân qua lá để cây phục hồi sinh trưởng.  

Ông Hồ Đắc Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin, đối với cây bị nghiêng đổ trên 45 độ so với mặt đất tiến hành tỉa tán, dựng cây, vun gốc và chống đỡ bằng cọc tre, dây thừng để cây nhanh chóng phục hồi.   

Theo đó, đối với cây bị gãy, toác thân, bật rễ, bị nghiêng đổ dưới 45 độ so với mặt đất cần cưa bỏ. Nếu vườn cao su có tỷ lệ cây đổ ngã thiệt hại nặng >70% tiến hành chặt bỏ toàn bộ vườn và có kế hoạch trồng mới hoặc trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, cam,…

                                          Bài, ảnh: Hà Nguyên