Khu vực rừng Amazon ở tiểu bang Rondonia, Brazil bị tàn phá nghiêm trọng. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cảnh báo rằng có tới 850.000 virus, giống như virus SARS CoV-2, tồn tại ở động vật và có thể lây nhiễm sang người, IPBES cho biết, các đại dịch đại diện cho một "mối đe dọa hiện hữu" đối với nhân loại.

Theo các tác giả của báo cáo đặc biệt về đa dạng sinh học và các đại dịch, việc phá hoại môi trường sống và tiêu thụ quá mức đã khiến những căn bệnh lây truyền qua động vật có nhiều khả năng lây sang người hơn trong tương lai.

“Không có điều bí ẩn to lớn nào về nguyên nhân gây ra đại dịch COVID-19, hoặc bất kỳ đại dịch hiện đại nào”, ông Peter Daszak, Chủ tịch của Ecohealth Alliance, một tổ chức phi chính phủ bảo vệ con người, động vật và môi trường khỏi các bệnh truyền nhiễm mới nổi; đồng thời là Chủ tịch của hội thảo IPBES nhận định.

Theo IPBES, COVID-19 là đại dịch thứ 6 kể từ đợt bùng phát đại dịch cúm năm 1918, tất cả các đại dịch này đều hoàn toàn là do các hoạt động của con người gây ra.

Những hoạt động này bao gồm việc khai thác môi trường không bền vững thông qua phá rừng, mở rộng nông nghiệp, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, tất cả các hoạt động này khiến con người tiếp xúc ngày càng gần với động vật hoang dã và động vật chăn nuôi, cũng như những dịch bệnh từ chúng.

Đáng chú ý, IPBES cảnh báo, có khoảng 5 dịch bệnh mới xuất hiện ở người mỗi năm, bất kỳ dịch bệnh nào trong số đó cũng có khả năng trở thành đại dịch.

Trước đó trong đánh giá định kỳ về tình trạng thiên nhiên hồi năm ngoái, IPBES đã chỉ ra rằng, hơn 3/4 diện tích đất trên trái đất đã bị suy thoái nghiêm trọng do hoạt động của con người.

Qua đó, IPBES đề xuất một phản ứng đại dịch phối hợp trên phạm vi toàn cầu và để các quốc gia đạt được sự đồng thuận về những mục tiêu nhằm ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học trong một hiệp định quốc tế, tương tự như Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu.

Trong một động thái liên quan, ông Nick Ostle, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Môi trường CEH Lancaster, thuộc Đại học Lancaster (Anh) khẳng định, đánh giá của IPBES đóng vai trò như một "lời nhắc nhở" về mức độ phụ thuộc của con người vào thiên nhiên.

“Sức khỏe, sự thịnh vượng và hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào sức khỏe, sự thịnh vượng và hạnh phúc của môi trường xung quanh chúng ta. Những thách thức của đại dịch này đã nêu bật tầm quan trọng của việc bảo vệ và phục hồi các hệ thống “hỗ trợ sự sống” quan trọng và chung liên quan đến môi trường trên toàn cầu", ông Nick Ostle nói thêm.

Lê Thảo (Lược dịch từ AFP)