Lối đi tự mở băng qua đường sắt tại Km 690+ 380 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam thông ra đường Lương Văn Can, phường An Cựu, TP. Huế, có độ dốc cao, lượng người và phương tiện qua lại rất lớn, nhà dân 2 bên san sát, cơi nới nhiều vật dụng kiến trúc khiến tầm nhìn của người đi qua bị che chắn và hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Ông Huỳnh Tấn Dũng, một người dân sống gần đây cho hay: Nhiều người đi qua gặp tàu đến nhưng không kịp phát hiện, tôi và mọi người phải chặn lại. Hơn năm trước, ở đây từng xảy ra một vụ tai nạn do cô gái đi qua mà thiếu quan sát bị tàu tông tử vong.

Theo thống kê của ngành đường sắt, tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh dài hơn 100 km, có 63 đường ngang và 92 lối đi tự mở. Trong đó, có 26 đường ngang có gác chắn, số còn lại đều được trang bị hệ thống cảnh báo tự động hoặc phòng vệ bằng biển báo. Sau khi được đầu tư hệ thống cảnh báo, những đường ngang trên địa bàn đã giảm thiểu nguy cơ mất an toàn. Riêng những lối đi tự mở, do còn thiếu hệ thống cảnh báo nên nguy cơ xảy ra TNGT khi có tàu đến là rất cao. Bên cạnh đó, việc người tham gia giao thông thiếu ý thức chấp hành pháp luật, không chú ý quan sát hoặc cố tình băng qua đường sắt khi đã có tín hiệu cảnh báo xảy ra khá phổ biến và tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt còn tồn tại đã trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ TNGT đường sắt.

Từ năm 2019 đến nay, trên tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh đã xảy ra 20 vụ TNGT và sự cố về ATGT đường sắt, làm chết 10 người và 6 người bị thương. Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT đường sắt chủ yếu là do nạn nhân băng qua đường sắt thiếu chú ý quan sát.

Trung tá Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông cho biết: Hàng năm, Công an tỉnh và Công ty CP đường sắt Bình Trị Thiên có thực hiện quy chế phối hợp với các nội dung nhằm đảm bảo tốt trật tự ATGT đường sắt. Qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm. Từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý gần 500 trường hợp vi phạm quy tắc về giao thông tại các đường ngang, lối đi tự mở, xử phạt trên 250 triệu đồng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt thực sự đạt hiệu quả thì ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông vẫn đóng vai trò quyết định.

Theo chủ trương của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh sẽ xóa tất cả lối đi tự mở, mở các lối đi gom để đảm bảo an toàn. Trước mắt, Công ty tiến hành lắp đặt biển tín hiệu, đồng thời phối hợp cùng chính quyền địa phương quản lý chặt các lối đi tự mở để duy trì hệ thống biển báo, phát quang tầm nhìn và bố trí người cảnh giới đối với các lối đi tự mở có lưu lượng người qua lại lớn. Ông Nguyễn Vĩnh Hòa, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, an toàn Công ty CP đường sắt Bình Trị Thiên thông tin.

Hà Tâm