Tiêu thụ thịt có kiểm soát, đánh thuế chăn nuôi, thuế tiêu thụ thịt có thể góp phần ngăn chặn bùng phát những đại dịch mới. Ảnh minh họa: BÁO DÂN TRÍ

“Tiêu thụ quá nhiều thịt là có hại cho sức khỏe của chúng ta. Ngoài ra nó cũng không bền vững về khía cạnh tác động đối với môi trường. Hành động này cũng là nguyên nhân dẫn đến các nguy cơ cao bùng phát đại dịch”, Peter Daszak – Chủ tịch tổ chức chuyên nghiên cứu bệnh truyền nhiễm EcoHealth Alliance trả lời báo giới.

Ông cũng nói thêm rằng, sự bùng phát của các chủng virus và các chủng dịch mới phần lớn là do “sản lượng gia cầm và lợn ở một số nơi trên thế giới quá dày đặc, được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng toàn cầu của con người".

Thêm vào đó, nuôi bò lấy thịt cũng là một nguyên nhân chính khác gây nên nạn phá rừng để chăn nuôi, cùng với đó là phá hủy hệ sinh thái ở Mỹ Latinh. Nghiên cứu của các chuyên gia cảnh báo rằng, đại dịch sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, lây lan nhanh hơn, buộc các nước tốn kém hơn và thiệt hại về người có thể nhiều hơn những gì COVID-19 gây ra nếu các nước không triển khai hành động quyết liệt để ngăn chặn sự tàn phá môi trường sống trong đó khiến virus lây nhiễm từ động vật sang người.

Cũng nhất trí với ý kiến kêu gọi mọi người trên thế giới giảm tiêu thụ thịt, nhà khoa học Thijs Kuiken – 1 trong 22 chuyên gia quốc tế thực hiện bài nghiên cứu cũng thúc giục các chính phủ đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn đại dịch, thay vì đối phó sau khi dịch tấn công đất nước.

Theo nhà khoa học Thijs Kuiken: “Thay đổi chế độ ăn uống sao cho hợp lý, nhất là việc tiêu thụ thịt có kiểm soát thật sự rất quan trọng để giảm nguy cơ xuất hiện đại dịch và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên”. Nhà khoa học cũng thừa nhận ý tưởng về thuế gia súc và thuế tiêu thụ thịt hiện vẫn “đang rất tranh cãi”. Song đây là cái giá đáng phải trả để đối đầu với các đại dịch trong tương lai.

Có một thế hệ mới sẵn sàng đưa ra những quyết định sẽ tạo nên một lối sống bền vững hơn. Hiện ngành chăn nuôi vốn đang phát triển và được toàn cầu hóa “rất có lợi nhuận” và những nghiên cứu trước đây cũng đã đề xuất đánh thuế chăn nuôi và tiêu thụ thịt để thúc đẩy ngành này hoạt động dựa trên những phương thức ít gây hại cho hành tinh và cho con người hơn.

Có thể nói đây là một chiến lược khả thi và cần được các chính phủ, tổ chức liên chính phủ xem xét như một hướng đi mới.

Báo cáo đưa ra bởi nền tảng chính sách và khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái đã chỉ ra rằng, nhu cầu về thịt gia tăng ở các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi cũng đe dọa đến đa dạng sinh học và góp phần làm trầm trọng biến đổi khí hậu.

Nói thêm về vấn đề này, ông Peter Daszak nhận định, có những bằng chứng rõ ràng và mạnh mẽ cho thấy biến đổi khí hậu đã gây ra sự thay đổi về các bệnh do vật trung gian truyền nhiễm như viêm não do bọ chét ở khu vực Bắc Âu.

Do đó, bằng việc cải thiện quyền sử dụng đất, nạn phá rừng hay bất kỳ hành động đe dọa thiên nhiên nào để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau sẽ chấm dứt. Sẽ không có bất kỳ sự mở rộng ngành nông nghiệp nào làm tổn thương các cộng đồng bản địa và điều này sẽ ngăn chặn sự xuất hiện của dịch bệnh.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ Devdiscourse)