Nhiều DN mong được ngân hàng giảm lãi suất cho vay

Lãi suất tiền gửi liên tục giảm

Sau 3 lần giảm trong năm 2020, từ đầu tháng 10 đến nay, lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục được điều chỉnh, nhất là với các kỳ hạn từ nửa năm trở lên. Nhiều NHTM đã giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn một năm xuống dưới 6%/năm, mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Nhìn vào biểu lãi suất mới nhất của Vietcombank, tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại đây chỉ còn được hưởng lãi suất 5,8%/năm, giảm 0,2%/năm so với đầu tháng 9/2020. Mức lãi suất cao nhất tại Vietcombank hiện nay chỉ còn 5,9%/năm dành cho tiền gửi kỳ hạn 24 tháng. Với kỳ hạn 6 và 9 tháng, thay vì mức lãi suất từ 4,4-4,5%/năm, nay giảm còn 4-4,1%/năm.

Những NHTM có vốn nhà nước được xem là các “nhà băng lớn” trong thị trường tín dụng: BIDV, VietinBank, Agribank cũng có xu hướng giảm lãi suất tiền gửi tương tự, với mức giảm từ 0,2-0,3%/năm tùy từng kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi từ 12 tháng trở lên chỉ còn 5,8%/năm, cũng là mức lãi suất cao nhất tại các ngân hàng này, thay vì mức 6%/năm trước đó.

Ngay cả các NHTM cổ phần, lãi suất tiền gửi cũng tiếp tục cắt giảm mạnh. Sacombank niêm yết lãi suất huy động 12 tháng giảm từ 6,5%/năm xuống còn 6%/năm, VPbank, Techcombank, ACB… dao động khoảng 5,3-5,7%/năm cho kỳ hạn tương tự, thay vì mức 5,7-6,2%/năm trước đó.

Động thái liên tục giảm lãi suất điều hành cùng với việc đề xuất sửa đổi Thông tư 01 theo hướng kéo dài thời gian cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay cho DN chịu ảnh hưởng dịch COVID, thiên tai cho thấy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang áp dụng nhiều biện pháp cùng lúc để thúc đẩy hỗ trợ DN, tăng trưởng kinh tế.

Lãi suất cho vay giảm “nhỏ giọt”

Giám đốc Công ty TNHH TMDV Vĩnh An ở đường Hoàng Diệu, TP. Huế cho biết, vay vốn ngắn hạn có tài sản đảm bảo hiện phải chịu lãi suất 9%/năm. Lãi suất có giảm so với trước, nhưng mức giảm chỉ là 0,5%. Tính ra, với khoản vay 1 tỷ đồng, trước kia trả lãi mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng thì nay trả 7,5 triệu đồng, giảm không đáng kể.

Ông Nguyễn Ngọc H.- một DN kinh doanh dịch vụ nhà hàng, tổ chức sự kiện ở Thành Nội cho hay, lãi vay kỳ hạn 6 tháng với khoản vay cũ là 10,5%/năm, ngân hàng không hề giảm. Còn lãi vay mới được giảm về mức 9,3%/năm, nhưng chỉ dành cho 3 tháng đầu, còn 3 tháng sau sẽ thả nổi, chắc chắn lại vượt 10%/năm. Không những thế, tài sản thế chấp của DN là nhà đất, trước kia ngân hàng còn định giá cao và cho vay khoảng 50% giá trị, nay vừa định giá thấp hơn vừa cho vay khoảng 40% giá trị, nên nhu cầu về vốn bị thiếu.

Theo phản ánh của các DN ở Huế, phải là các DN lớn, có mối quan hệ lâu năm với ngân hàng, vay khoản lớn mới được giảm lãi suất hiện hữu và lãi suất cho vay khoảng 2%/năm, còn lại các DN nhỏ vay vốn lãi suất vẫn cao, chỉ được giảm từ 0,2-1%/năm. Với kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 11%/năm. Tại một số NHTM cổ phần, lãi suất cho vay dài hạn ở mức 12%/năm, không những thế, điều kiện cho vay cũng bị thắt chặt. Khi lãi suất huy động giảm liên tục thì lãi suất cho vay lại giảm từ từ. Các khoản vay cũ là gánh nặng với DN, trong khi doanh thu giảm mạnh do dịch bệnh, thiên tai thì hầu như không được giảm.

Đa phần các NHTM đều giải thích, lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động vì các khoản vốn huy động trước đó lãi suất cao vẫn còn nên không thể giảm nhanh lãi suất cho vay. Hơn nữa, ngân hàng cũng bị tác động của dịch COVID-19, cũng vẫn phải trả lãi cho các khoản huy động vốn từ khách hàng. “Riêng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ được giảm lãi suất, khoanh nợ… hay không cũng phải chờ chủ trương…”, Giám đốc một ngân hàng trên địa bàn nói.

Trong khi, Giám đốc một NHTM khác chia sẻ: Trong bối cảnh khó khăn chung, nguồn thu chính của các ngân hàng là hoạt động cho vay (chiếm hơn 70% tổng nguồn thu), ngân hàng nào cũng muốn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để đảm bảo lợi nhuận. Tuy nhiên, ồ ạt cho vay ra lúc này nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn đến nguy cơ nợ xấu tăng cao, thì tình hình còn tệ hơn.

Theo NHNN Thừa Thiên Huế, đến cuối tháng 10, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn khoảng 52.000 tỷ đồng, tăng gần 6% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng tại các TCTD khoảng 49.000 tỷ đồng, tăng 2,7%. Nợ xấu nội bảng tại các TCTD ở mức khoảng 1.200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu khoảng 2,5%. Nếu tính thêm VDB khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Trị, dư nợ tín dụng ước hơn 52.000 tỷ đồng, tăng hơn 2,5% so với đầu năm; nợ xấu ở mức hơn 1.560 tỷ đồng chiếm tỷ lệ hơn 3%.

Thực tế thời gian qua, do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh (SXKD) của các DN nên ngành ngân hàng ban hành các chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ. Dù lãi suất vay đầu ra có giảm nhưng cầu tín dụng vẫn tăng thấp.

Dự báo của các chuyên gia kinh tế, khó khăn sẽ còn kéo dài sang năm 2021. Nếu các DN không nhận được sự hỗ trợ cần thiết sẽ khó tồn tại và phải ngừng SXKD khiến số người lao động mất việc làm, không có thu nhập ngày càng tăng…

Bài, ảnh: BẠCH QUANG