Ông Chức “say” việc ở rừng dù đã 75 tuổi

Đến thôn Bồ Hòn, xã Bình Thành, hỏi ông Chức làm kinh tế giỏi ai cũng biết. Bà con ngưỡng mộ ông không chỉ vì biết tính toán làm ăn mà còn vì phẩm chất của một cựu binh, luôn can trường dù đã lớn tuổi. Nơi chôn nhau cắt rốn tại A Lưới, sau hàng chục năm dời quê lập nghiệp, Bình Thành đã trở thành ngôi nhà thứ hai của lão nông Cơ Tu.

Dù xuất ngũ với tỷ lệ mất sức lao động 68%, ông Chức vẫn không nản lòng. Đằng sau ông không chỉ là miếng cơm, manh áo, đó còn là gia đình với vợ và 5 người con. Ông Chức nói: “Kinh tế không ổn định thì đời sống vất vả. Vì thế thời điểm đó gia đình tôi bỏ sức khai hoang, trồng rừng. Làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt cũng không thấy mệt”.

Năng lượng từ lão nông sinh năm 1944 đã truyền sang các con. Từ 5 ha, 10 ha ban đầu, gia đình ông gây dựng cơ ngơi lên 55 ha; trong đó, 50 ha trồng keo, 5 ha còn lại ông trồng lồ ô.

Mỗi năm, rừng lồ ô của ông cung cấp cho thị trường vài ngàn cây. Với giá trung bình 12 nghìn đồng/cây, hàng năm ông Chức bỏ túi hàng chục triệu đồng. Không chỉ đáp ứng nhu cầu của địa phương, lồ ô của ông Chức còn cung ứng cho thị trường Quảng Trị. Với rừng keo, năm nào nhà ông cũng có diện tích khai thác. Nguồn thu ổn định giúp ông xây dựng nhà cửa khang trang, con cái đều có đời sống khấm khá, ổn định. Cần mẫn như chú ong, ông vượt hàng cây số để lên rừng mỗi ngày. Với ông Chức, lao động không chỉ vì thu nhập, đó còn là niềm vui được làm việc, nhìn mồ hôi, công sức nở hoa.

Tại xã thuần nông Phú Lương (Phú Vang) cũng có một người cao tuổi làm kinh tế giỏi, đó là ông Phạm Văn Khán, năm nay đã 70 tuổi. Trước đây gia đình ông chỉ trông chờ vào trồng lúa. Dù diện tích ruộng rộng hơn 2 ha song năng suất không ổn định khiến kinh tế gia đình bấp bênh. Ông Khán cho biết: “Thời điểm trước nhà tôi 9 nhân khẩu phụ thuộc vào hạt lúa. Gặt xong đốt đồng, vừa ô nhiễm môi trường vừa không có kinh tế, tro từ rơm cũng chẳng bao nhiêu. Sau này tôi tận dụng triệt để rơm rạ trồng nấm, từ đó kinh tế vững vàng hơn”.

10 năm trở lại đây, ông Khán tích trữ tất cả nguồn rơm từ 2 ha trồng lúa. Vốn chăm chỉ, ham học hỏi, năng suất nấm của ông ngày càng ổn định. Ông dựng nhà nấm hàng chục mét vuông, xoay vòng mỗi tháng thu hoạch một lần, năng suất đạt 15 – 20kg/lứa. Nguồn rơm dồi dào sau khi trồng nấm cũng được ông cung ứng cho các nhà vườn làm phân sinh học, vừa giàu chất dinh dưỡng lại tơi xốp.

Ông Nguyễn Văn Chức ở Bình Thành, ông Phạm Văn Khán ở Phú Lương, ông Trần Quang Phụ ở Quảng Điền và rất nhiều người cao tuổi làm kinh tế giỏi đã và đang là tấm gương sáng được nhiều người học hỏi. Ông Hồ Viết Lễ, Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh khẳng định: “Đều là những tấm gương điển hình vượt khó vươn lên, nhiều người cao tuổi làm kinh tế giỏi không chỉ có cuộc sống khấm khá, ổn định. Họ còn tích cực đóng góp vào sự phát triển của địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và chung tay tham gia vào phong trào xây dựng nông thôn mới”.

Bài, ảnh: MAI HUẾ