Đến nghĩa trang đúng lúc có một đám tang nhà ai cũng vừa đưa đến. Tội nghiệp, số mạng thế nào mà ai đó lại qua đời đúng thời điểm gió mưa lụt lội thế này. Thấy người ta phải múc, phải hút nước từ huyệt ra, lúc đó mới có thể hạ quan tài xuống được.

Những người cuối cùng của nhà đám rút đi thì tôi cũng vừa xong một vòng mồ mả gia tiên. Trên đường trở ra, tôi lắc đầu ngao ngán. Bao ni lông, hộp xốp đựng thức ăn, vỏ bánh trái, vỏ chai nhựa, xác các lẵng hoa… thôi thì nghênh ngang tha hồ cả một khu vực nghĩa địa cho đến tận đường dẫn vào. Nhìn qua, thấy chắc chắn là “sản phẩm” từ nhà đám nọ thải ra.

Đành rằng tang gia bối rối, nhưng hành xử như gia đình ấy thì thật là đáng trách. Nghĩa trang là nghĩa trang chung, hầu như không ngày nào là không có đám. Và thử hỏi, đám nào cũng để xảy ra tình trạng như vậy thì nghĩa trang sẽ “trụ” được bao lâu để không biến thành bãi rác công cộng?!!

Là nơi yên nghỉ của những người đã khuất, đó là những người mà mỗi gia đình đều luôn hướng vọng và hết lòng nhớ thương, tôn kính. Vậy thì cũng đòi hỏi mỗi gia đình đều phải tự ý thức giữ gìn để chốn linh thiêng ấy luôn được trang nghiêm, sạch sẽ. Phải hết sức tránh tình trạng chỉ lo chăm chắm gìn giữ cảnh quan riêng của mộ phần gia đình mình, còn chung quanh thì mặc kệ, không cần để mắt.

THƯỢNG BÍCH