San sẻ với đồng bào đang gặp khó khăn

Ngày 1/11, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu đã trao số tiền 2,1 tỷ đồng hỗ trợ Nhân dân Thừa Thiên Huế khắc phục ảnh hưởng của bão lụt. 

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thay mặt nhân dân tỉnh nhận quà hỗ trợ từ Trung ương Hội Chũ thập đỏ

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào Thừa Thiên Huế phải hứng chịu do thiên tai trong thời gian qua, đặc biệt là sự hi sinh cao cả của 13 liệt sĩ trên đường làm công tác cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3.

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã và đang nỗ lực kêu gọi các tổ chức trong nước và quốc tế để tiếp tục hỗ trợ các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Mong muốn chính quyền tỉnh tiếp tục làm tốt công tác hỗ trợ, khắc phục bão lụt cho người dân, sớm khôi phục cuộc sống và sản xuất cho người dân.

Ngoài 2,1 tỷ đồng, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam còn trao 30 phần quà cho cán bộ, hội viên Hội chữ thập đỏ tỉnh gặp khó khăn do thiệt hại của mưa bão; tặng 100 suất quà cho cá hộ dân nghèo tại xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, mỗi phần quà 1 triệu đồng; thăm và hỗ trợ cho 2 gia đình nạn nhân bị chết tại thủy điện Rào Trăng, mỗi gia đình 3 triệu đồng; hỗ trợ 3 thuyền máy, xuồng, phao cho đội ứng phó thiên tai của tỉnh và của huyện Phong Điền, trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh.

Thay mặt chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cám ơn sự hỗ trợ, động viên đến từ Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam, đồng thời đánh giá cao uy tín và sự chuyên nghiệp của Hội chữ thập đỏ các cấp, đặc biệt là Hội chữ thập đỏ cơ sở trong điều phối, tổ chức các hoạt động cứu trợ, cứu nạn cũng như nâng cao kiến thức kĩ năng phòng chống thiên tai trong cộng đồng.

Sáng cùng ngày, đoàn công tác của tỉnh Đắk Lắk do bà Phúc Bình Niê Kdăm, TUV, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao tiền hỗ trợ người dân Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả bão lụt.

Đại diện tỉnh Đắk Lắk trao số tiền hỗ trợ cho người dân Thừa Thiên Huế

Chia sẻ khó khăn với Thừa Thiên Huế, Nhân dân, cán bộ và chiến sĩ tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ 500 triệu đồng giúp người dân khắc phục thiệt hại do bão lụt, sớm ổn định cuộc sống.

Thay mặt người dân trong tỉnh, ông Nguyễn Nam Tiến, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh Đắk Lắk và cam kết sẽ phân bổ tiền ủng hộ đến những hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất.

Người dân thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) cũng cảm thấy ấm lòng khi nhận các phần quà từ Hội Chữ thập đỏ Đồng Nai cùng các mạnh thường quân. 400 suất, mỗi suất quà trị giá 600 nghìn đồng, gồm các đồ dùng thiết yếu; trong đó có 300 nghìn đồng tiền mặt. Đơn vị này cũng trao thêm 300 suất, trị giá mỗi suất 600 nghìn đồng cho người dân Hương Hữu (Nam Đông) để chia sẻ khó khăn, mất mát do những cơn bão và mưa lũ vừa qua gây ra, với phương châm "Đồng Nai thương nhớ xứ Huế".

Cán  bộ Hội CTĐ Đồng Nai (trái) hỗ trợ quà cho bà con thị trấn Lăng Cô bị ảnh hưởng bão lụt vừa qua

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Hội Phụ nữ Công an tỉnh cũng trao quà hỗ trợ học sinh, hội viên phụ nữ và người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn tỉnh trong sáng 1/11.

Đoàn trao 5 xe đạp, đồng phục, vở, viết cho 5 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã Hương Trà, mỗi em được tặng một chiếc xe đạp mới, quần áo đồng phục và vở viết.

Tại huyện Quảng Điền, đoàn trao quà hỗ trợ cho 8 hộ dân ở Quảng Vinh, trong đó 7 hộ, mỗi hộ được hỗ trợ một triệu đồng, một hộ còn lại được hỗ trợ 2 triệu đồng; giúp 24 triệu đồng để sửa chữa nhà cửa cho 4 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Quảng Phú. Ngoài ra, đoàn cũng trao 3 triệu đồng sửa chữa nhà cho một gia đình tại phường Hương Long, TP. Huế. 

Tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bão lụt

1.120 suất quà được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện A Lưới phối hợp với các đơn vị, nhà tài trợ trao tặng 

Đợt này, Hội thiện nguyện Phạm Thị Mỹ Thuận, TP. Hồ Chí Minh thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện A Lưới trao 600 suất quà (350 nghìn đồng/suất) cho người dân xã Phú Vinh, Trung Sơn và xã Hồng Thủy; Hội Thiện nguyện Hạc Giấy TP. Hồ Chí Minh thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện A Lưới trao tặng 50 suất quà (mỗi suất 500 nghìn đồng) cho người dân xã Quảng Nhâm; Nhóm từ thiện Hồ Lê Anh Khoa (Huế) trao 150 suất quà (200 nghìn đồng/suất và áo quần) cho người dân xã Hồng Kim.

Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện A Lưới phối hợp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện trao 100 suất quà (300 nghìn đồng tiền mặt) cho người dân thôn A Đeeng 1(xã Trung Sơn); 100 suất quà cho học sinh Trường tiểu học Bắc Sơn (mỗi suất 400 nghìn đồng); Nhóm từ thiện Bà Rịa Vũng Tàu 120 suất quà cho người dân thôn Ta Ay- Ta, xã Trung Sơn (300 nghìn đồng/suất).

Các trận lũ lụt liên tiếp khiến Trường mầm non Phú Tân bị ngập lâu ngày, sàn lớp ẩm nặng, trước khó khăn đó, bà Bế Thị Kim Oanh, cựu giáo viên Trường THCS Vinh Xuân (Phú Vang) kết nối.các mạnh thường quân tại tỉnh Bắc Giang hỗ trợ cho trường gần 300 m2 xốp trải sàn.

Hiệu trưởng Trường mầm non Phú Tân (trái) tiếp nhận sự chia sẻ của các mạnh thường quân

Sắp tới, ngày 6/1, các mạnh thường quân ở thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang sẽ hỗ trợ áo ấm, đồ dùng học tập cho các trường học trên địa bàn huyện Phú Vang như thị trấn Thuận An, xã Phú Thanh, xã Phú Lương…

Cũng tại Phú Vang, Đoàn xã Phú Mỹ (Phú Vang) kết nối mạnh thường quân, trao 60 suất quà (tiền mặt), tổng trị giá 30 triệu đồng (mỗi suất 500 nghìn đồng tiền mặt) cho các hộ neo đơn, bệnh tật, khó khăn trên địa bàn xã, ảnh hưởng do lũ lụt.

Trao xe đạp cho các em học sinh

Cùng ngày, 23 chiếc xe đạp được trao đến học sinh các Trường THCS Trần Đăng Khoa, Trường THCS Lê Thuyết, Trường TH&THCS Lê Quang Bính (TX. Hương Trà).

Hoạt động do Công ty TNHH 021 Tư vấn và Công nghệ phối hợp với Phòng GD&ĐT TX. Hương Trà tổ chức. Tổng giá trị của 23 chiếc xe đạp tương đương 51,4 triệu đồng.

Tại Trường tiểu học số 2 Hương Vinh (TX. Hương Trà), Trung tâm Kỹ năng sống Rồng Việt trao tặng 10 suất học bổng, mỗi suất 300 nghìn đồng đến các em học sinh; Hội cựu giáo chức xã Hương Vinh trao 200 quyển vở; Công ty dược phẩm Mediaphaco trao 47 phần quà gồm gạo và các nhu yếu phẩm; đại diện hội học sinh Trường THPT Chuyên Quốc học khóa 89-92 trao tặng 10 phần quà bằng tiền mặt, mỗi phần quà trị giá 500 ngàn đồng và hỗ trợ nhà trường 5 triệu đồng để mua sách truyện và mua các dụng cụ phục vụ bếp bán trú…

Ra quân khắc phục hậu quả bão số 9

Từ sáng hôm nay (1/11), huyện Nam Đông đã huy động cán bộ, công nhân viên chức ra quân tham gia các hoạt động trên địa bàn toàn huyện. 

Lực lượng chức năng cùng người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường tại xã Hương Xuân

Theo thống kê sơ bộ, Nam Đông có 5 ngôi nhà bị sập, hơn 400 ngôi nhà và 5 trường học, trụ sở cơ quan bị tốc mái. Toàn huyện có hơn 20 điểm tại các tuyến đường giao thông, đường dân sinh bị sạt lở, hư hỏng và 16 cầu, cống qua đường sản xuất bị nước hư hại.

Ngoài ra, hơn 3,6km bờ bờ sông, suối cũng bị sạt lở và gần 3 ha đất trồng lúa bị đất, đá vùi lấp; 4 đập đầu mối bị hư hỏng và hơn 1 km kênh mương bị nước lũ cuốn trôi; hơn 2.500 ha rừng trồng (keo), khoảng 1.500 ha cao su, gần 30 ha rau màu các loại, hơn 25 ha cây hàng năm và khoảng 10 ha cây ăn quả bị thiệt hại…

Các lực lượng tình nguyện đã hỗ trợ người dân dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, vệ sinh vườn tược và khắc phục  diện tích cây cao su, keo bị gãy đổ do bão.

Với các nhà dân bị sập và tốc mái, chính quyền huyện và xã hỗ trợ tấm lợp, ngày công sửa chữa, dựng nhà tạm cho các hộ bị thiệt hại nặng trong thời gian chờ làm lại nhà mới.

Thu gom cây, cành gãy, đổ do bão ở phường Phú Bài

Tại Hương Thủy, tuy không có thiệt hại về người cũng như không có trụ sở, trường học hay nhà bị sập nhưng những đợt thiên tai vừa qua, trên địa bàn thị xã có 7.173 ngôi nhà bị ngập, thiệt hại 129.400 chậu cúc, 14 ha thanh trà, 15 lồng cá; 600 con gà… cùng hàng loạt cây xanh gãy, đổ và một số điểm tại các tuyến đường giao thông, đường dân sinh bị nước xói lở gây bong tróc, hư hỏng.

Hưởng ứng "Ngày Chủ nhật xanh", góp phần khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, các lực lượng trên địa bàn thị xã đã tổng vệ sinh các trụ sở, cơ quan và cùng người dân dọn dẹp đường làng, ngõ xóm; chặt tỉa cành, cây gãy, đổ; thu gom bèo, rác, khơi thông các ao hồ, phong quang đường sá, đô thị… để vệ sinh môi trường, tránh các bệnh truyền nhiễm bùng phát.

Hoạt động này cũng được Đoàn Thanh niên cùng các lực lượng và người dân tại các xã, thị trấn tại huyện A Lưới hưởng ứng, ra quân.

Các lực lượng cùng người dân mặc áo mưa ra đường dọn dẹp vệ sinh 

Dù thời tiết tại nhiều nơi có mưa nhưng các lực lượng cùng người dân vẫn tập trung dọn dẹp cây gãy đổ, vệ sinh bùn đất, làm sạch các tuyến đường, khu vực đường làng, ngõ xóm, đồng thời hỗ trợ các gia đình sửa chữa lại nhà cửa bị tốc mái, hư hỏng sau mưa bão; phối hợp vệ sinh, dọn dẹp tại các nhà cộng đồng, trụ sở làm việc các cơ quan…

Nhóm PV