Anh hùng Lao động, Thầy thuốc ND, GSTS Phạm Như Thế- nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã cùng GS Võ Phụng, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Huế là những người đã đặt nền móng cho kỹ thuật ghép thận của BVTW Huế từ những năm 1980 của thế kỷ 20, khi bệnh viện hoạt động trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn. Cũng là người chỉ huy và trực tiếp tham gia ghép thận cho nhiều bệnh nhân.
Trao kỷ niệm chương cho người hiến thận. Ảnh: Võ Nhân |
Ca ghép thận đầu tiên cho bệnh nhân Thanh Sơn, vào một ngày hè chói chang, ghi dấu sự kiện ghép thận thành công của BVTW Huế. Một năm sau, gặp Sơn ở bệnh viện trong một lần tái khám, Sơn thông báo, vợ em vừa sinh cháu trai! Tính ra, năm nay con trai Sơn đã 12 tuổi. Ngày ấy, Sơn mới cưới vừa tròn một tháng thì phải lên bàn mổ. Nếu BVTW Huế không triển khai được kỹ thuật ghép thận thì với điều kiện kinh tế gia đình, Sơn có thể đã trở thành “người xấu số”... Sáng qua, gặp Sơn ở hành lang hội trường tổ chức lễ, Sơn nhận ngay ra tôi. Sau khi thông báo cho tôi về tình hình sức khỏe, Sơn cho biết, gia đình có thêm một thành viên nữa, một bé gái 6 tuổi.
Cả Sơn và mẹ, người đã cho Sơn thận, đều khỏe mạnh. Với Sơn, cuộc sống vậy là mỹ mãn! Sơn nhắc tên từng vị bác sĩ đã điều trị cho Sơn ngày ấy. Nào là Bùi Đức Phú, Nguyễn Duy Thăng, Lê Lộc, Võ Tam, Hoàng Tùng… Dù 13 năm trôi qua và suốt cuộc đời, Sơn không bao giờ quên được ân tình này.
Trần Thanh Sơn thứ 2 từ phải qua, người được ghép thận đầu tiên. Mẹ của BN Sơn, chị Hà, người cho con trai thận, ngồi đầu tiên bên phải. Ảnh: Võ Nhân |
Tại buổi hội ngộ, tôi gặp bác sĩ Việt kiều Hoàng Anh Dũng, Phó khoa phụ trách ghép thận- tụy tạng Bệnh viện ERASME-Bỉ, chuyên gia ghép thận, tham gia ca ghép thận cho Trần Thanh Sơn. Bác sĩ Dũng chia sẻ: Ngày đó BVTW Huế là đơn vị thứ 4 (sau Học viện Quân y 103, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Việt Đức) thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận. Kinh nghiệm chưa có nên còn bỡ ngỡ ở ca đầu tiên. Điều tôi lo lắng nhất là kỹ thuật nối mạch máu. Nhưng ê kíp thực hiện ghép thận đã chứng tỏ bản lĩnh, nghị lực và giỏi chuyên môn nên ca mổ diễn ra thuận lợi.
Sau này, dù được hỗ trợ từ phía chuyên gia Bỉ về kỹ thuật lẫn phương tiện thuốc men, bệnh viện vẫn rất cẩn trọng, khai thác tối ưu các chuyên khoa khác nhau, xây dựng ê kíp ghép thận chuyên nghiệp, cải tiến kỹ thuật ghép để thích ứng với mọi bất thường giải phẫu, ứng dụng các phác đồ chống thải ghép hiệu quả, điều này đã mang lại kết quả rất thuyết phục.
Sau khi Luật Hiến tạng ra đời, tình hình hiến tạng từ người cho chết não vẫn không có sự chuyển biến đáng kể do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc ghép thận từ người cho còn sống vẫn là chủ yếu và số ca ghép thận được thực hiện cũng không nhiều. Cho đến khi bệnh viện thực hiện thành công vang dội hai sự kiện quan trọng là Ghép tim lấy từ người cho chết não vào năm 2011 và ghép thận cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú bị cắt nhầm hai quả thận, BVTW Huế trở thành địa chỉ tin cậy về ghép tạng cho bệnh nhân. Từ đó số lượng bệnh nhân ghép thận ngày càng tăng. Năm 2012 chỉ có 63 cặp ghép thận, 9 tháng đầu năm 2014 có thêm 137 cặp ghép thận. Bệnh viện đã thực hiện 200 ca mổ lấy thận an toàn và 200 ca ghép thận thành công với tỷ lệ 100%.
Để có được kết quả này là cả một quá trình tích lũy kinh nghiệm hơn 10 năm, chuẩn bị kỹ càng từ khâu tiếp nhận bệnh nhân, hội đồng tư vấn, hội đồng ghép tạng; cho đến lúc phẫu thuật các tổ chuyên môn, trong đó, ê kíp phẫu thuật tim mạch và tiết niệu luôn luôn sẵn sàng phối hợp chặt chẽ và tuân thủ đúng quy trình chuyên môn.
Điều đặc biệt quan trọng là nguồn thận để ghép. Nếu không có người dũng cảm và có trái tim nồng ấm, nhân hậu, tự nguyện cho đi một phần cơ thể của mình thì mọi kỹ thuật, mọi chuẩn bị cũng thành vô nghĩa. Bởi vậy, những người hiến thận xứng đáng được tôn vinh. Liệu sẽ có được bao nhiêu người hiến tạng nữa trong khi cả nước còn hơn 10 nghìn người chờ ghép thận? Đó cũng là lý do để Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao kêu gọi mọi người tích cực tham gia Luật Hiến tạng trong thời gian tới.