Thi công nền đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn đoạn qua huyện Phong Điền
Nhu cầu vốn lớn
Theo lãnh đạo ngành GTVT địa phương, mấy năm nay, đơn vị mạnh dạn tham mưu, đề xuất với Trung ương, lãnh đạo địa phương thực hiện phương châm không đầu tư dàn trải để chuyển sang đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, góp phần tạo hệ thống giao thông ở địa phương có những dấu ấn mới.
Ấn tượng nhất ngoài hệ thống đường cao tốc La Sơn-Túy Loan, Cam Lộ-La Sơn; hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng, Hải Vân 1 đã, đang ra đời, phải kể đến hệ thống cầu vượt phá Tam Giang- Cầu Hai, như Trường Hà, Tư Hiền, Hòa Xuân, Thuận An, Tam Giang; trong đó hai cầu Trường Hà và Tư Hiền là công trình cầu lớn nhất miền Trung.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT chia sẻ, nhu cầu vốn để phát triển hạ tầng giao thông sắp đến rất lớn. Ngoài chú trọng duy tu bảo dưỡng hệ thống giao thông hằng năm, sở ưu tiên đề xuất những tuyến đường có tính liên kết để phát triển và tập trung vào những vùng khó khăn, cấp thiết để tạo động lực cho phát triển kinh tế của từng địa phương. Dự kiến, tổng vốn đầu tư cho giao thông giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 46.996 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư cho các công trình ở địa phương khoảng 27.245 tỷ đồng.
Hiện tại, DA đường ven biển từ huyện Phong Điền đến Phú Lộc khoảng 127km; trong đó, có một số đoạn trùng với tuyến QL49B nên chiều dài còn 85km và nhiều công trình cầu cống trên tuyến với mức đầu tư trên 6.480 tỷ đồng đã khởi động. Đối với huyện, thị xã, thành phố, nhu cầu vốn để đầu tư hạ tầng giao thông trong trung hạn và dài hạn cũng khá lớn. Thống kê sơ bộ, nhu cầu từ các địa phương trong việc đầu tư, nâng cấp làm đường và cầu cống lên hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tại TP. Huế hiện đã đẩy mạnh nâng cấp chỉnh trang hệ thống các trục phố trung tâm kiểu mẫu, sắp đến, tiếp tục mở rộng tuyến ở cửa ngõ phía nam, đông, tây..., góp phần cho đô thị Huế theo hướng xanh- sạch- sáng, là đô thị thông minh, phát triển dịch vụ, du lịch xứng tầm một thành phố văn hóa di sản, cảnh quan.
Theo ông Nguyễn Việt Bằng, Trưởng phòng Quản lý Đô thị Huế, một trong những khó khăn lớn nhất trong phát triển hạ tầng giao thông là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khi đầu tư, nâng cấp các tuyến đường. TP. Huế đề xuất các cấp cần có cơ chế chính sách trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng khi đầu tư các tuyến đường giao thông theo quy hoạch...
Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Vang chia sẻ, kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn thời gian đến tập trung chủ yếu mở rộng các TL kết nối các xã vùng biển đến vùng trũng, ven phá. Nguồn lực đầu tư còn chờ vào quyết định cấp trên, song điều bức thiết nhiều năm nay địa phương mong muốn cần sớm nâng cấp, mở rộng tuyến TL10A, cầu Phú Thứ để kết nối đồng bộ với TL10G, TL10B,10C... góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội huyện nghèo phát triển.
Đề xuất nhiều giải pháp, chính sách
Để thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là những tuyến đường do địa phương quản lý, gần đây, ngành GTVT tham mưu UBND tỉnh đề xuất nhiều giải pháp, chính sách mời gọi, thu hút các nguồn lực.
UBND tỉnh đề nghị bộ, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến đường bộ trọng điểm ở địa phương, như công tác thẩm định an toàn giao thông, lập lại trật tự an toàn giao thông, rà soát quy hoạch lại hệ thống giao thông của địa phương... để có cơ sở điều tiết giao thông. Đồng thời, tăng cường đầu tư phát triển mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn trong thời gian đến phù hợp quy hoạch vùng, quốc gia.
Ngành GTVT đã phác họa bức tranh tổng thể về các trục giao thông trọng điểm đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 trên cơ sở Quyết định 1174 của UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2015; đồng thời có bổ sung điều chỉnh phù hợp thực tế hiện tại theo Nghị quyết 54 ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Theo đó, nhiều công trình mang tính chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, như đầu tư mở rộng nâng cấp các TL đi qua vùng đồng bằng, miền núi... đạt tiêu chuẩn cấp III đến cấp V; mở các trục từ TP. Huế đến vùng biển; đường ven biển từ Phong Điền đến Phú Lộc; đường Tố Hữu (TP. Huế) về cảng HKQT Phú Bài; các tuyến giao thông ngoài cảng chuyên dụng Điền Lộc (Phong Điền); cảng Thuận An (Phú Vang); đường Vành đai 3 nằm phía tây TP. Huế, hệ thống cầu bắc qua sông Hương, phá Tam Giang...
Ngoài ra, sẽ đầu tư một số tuyến ở khu vực hành lang kinh tế đông tây, kết nối với cảng biển Chân Mây và cửa khẩu Hồng Vân, Cu Tai ở vùng cao A Lưới... để tăng tính liên hoàn, thuận lợi, góp phần chiết giảm chi phí logistic trong kết nối giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, cứu hộ cứu nạn, an ninh quốc phòng.
Để phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, cần có những cơ chế, chính sách hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhiều nguồn lực đầu tư, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau, như vốn từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vay ưu đãi nước ngoài, thu hút đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư)... nhằm tạo sự đột phá trong thu hút vốn tư nhân tham gia đầu tư. Chính phủ, các bộ, ngành cần tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách địa phương bằng nhiều nguồn; trong đó có thể bằng nguồn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông...
Do nguồn vốn hạn chế nên nhiều đường chưa được đầu tư kịp thời dẫn đến thiếu đồng bộ trong việc khớp nối. Quá trình triển khai các DA gặp nhiều vướng mắc trong công tác thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng... ảnh hưởng đến tiến độ DA, như QL49B qua xã Giang Hải, Vinh Hiền (Phú Lộc); đường Phong Điền-Điền Lộc (Phong Điền)...
Bài, ảnh: Song Minh