Đường đi bộ gỗ lim an toàn sau ngâm chìm trong mưa lũ kéo dài
Sau nhiều ngày bị ảnh hưởng do mưa lũ, chúng tôi trở lại đường đi bộ gỗ lim dọc bờ Nam sông Hương khi dòng nước đục ngầu đã rút hẳn khỏi mặt đường lát bằng gỗ. Con đường ngay sau đó được các lao công vệ sinh môi trường dọn sạch bùn rác. Rất nhiều người cũng đã tìm ra đây để dạo bộ, tập thể dục sau những ngày con đường ngập do ảnh hưởng mưa lũ kéo dài.
Điều khiến nhiều người trầm trồ là cây cầu vẫn nguyên vẹn, vững chắc và không hề có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp khi bị nước lũ ngâm chìm trong nhiều ngày qua. Đường đi bộ gỗ lim chính thức đi vào hoạt động vào đầu năm 2019, đến thời điểm này gần hai năm và trở thành một trong những điểm đến ấn tượng, yêu thích của du khách và người dân. Tuy nhiên, vào thời điểm chuẩn bị khởi công, dự án này “gây bão” dư luận khi có rất nhiều ý kiến trái chiều cho rằng bất hợp lý, bởi khu vực thực hiện dự án trên bờ Nam sông Hương thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa, gây cản trở dòng chảy, gỗ lim sẽ không chịu đựng được, nhanh hư hỏng… Một số ý kiến đưa ra gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.
Nhưng ngay trong thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế khẳng định rằng, việc chọn gỗ lim để lát mặt cầu là lựa chọn rất kỹ của cả nhà tư vấn của Hàn Quốc lẫn hội đồng phê duyệt của TP. Huế và tỉnh. Gỗ lim mới, đẹp, chịu được thời tiết ngoài trời, quan trọng hơn là chịu nước rất tốt so với các loại gỗ khác.
Việc xây dựng một công trình như thế cũng được tính toán tới việc thích ứng với thời tiết nói chung và bão lụt nói riêng. Nếu nước lũ dâng cao thì con đường sẽ chìm trong nước, nhưng chìm trong một vài ngày thì sẽ rút.
Thời điểm đó, ban quản lý dự án cũng giải thích gỗ lim là một trong bốn loại gỗ nằm trong nhóm tứ thiết (đinh, lim, sến, táu) với ưu điểm nổi bật là rất cứng, chắc, bền vững theo thời gian đặc biệt ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Việc sử dụng gỗ lim sẽ tạo nét mỹ quan về lâu dài và tạo nét đặc trưng riêng.
Ông Nguyễn Việt Bằng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế cho biết, trải qua rất nhiều trận mưa lũ, đặc biệt là trận mưa lũ gây ngập kéo dài trong tháng 10 vừa qua, đường đi bộ gỗ lim dọc theo bờ Nam sông Hương đến thời điểm này vẫn rất an toàn, chắc chắn. Điều này chứng minh rằng công trình nằm trong sự kiểm soát và tính toán về yếu tố bền vững.
Theo ông Bằng, ngay khi nước rút đến đâu đơn vị đã cho làm vệ sinh đến đó. Trong quá trình đó cũng kiểm tra hệ thống gỗ, lan can, cũng như hệ thống điện (đã được ngắt trước khi mưa lũ diễn ra). Tất cả rất kiên cố, không có hiện tượng gì khác thường.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ có đánh giá lại, nhất là với kết cấu ở mặt dưới của sàn gỗ. Thời gian tới sẽ dùng các loại dầu để đánh lại bề mặt lan can và bề mặt gỗ để đảm bảo yếu tố thẩm mỹ cho công trình, phục vụ người dân, du khách đến tham quan”, ông Bằng nói.
Đường đi bộ dọc sông Hương với kết cấu bêtông cốt thép, trên lát gỗ lim dày 5cm. Gỗ lim nhập từ Nam Phi, nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến rừng và chủ trương bảo vệ rừng của Chính phủ Việt Nam. Toàn bộ số tiền do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 100% thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam và không có bất cứ điều kiện nào kèm theo.
Bài, ảnh: NHẬT MINH