Bác sĩ Hoàng Văn Đức

Ngay sau khi xảy ra tình trạng mưa lũ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát tình hình vệ sinh phòng bệnh, nhận thấy hầu hết các hộ gia đình đều đã rất chủ động trong việc dọn dẹp vệ sinh nhà ở, vườn tược. Ngành y tế tiếp tục tuyên truyền, vận động và phối hợp thực hiện việc phun khử trùng và xử lý vệ sinh môi trường tại các khu vực công cộng và nơi tập trung đông người.

Mưa, bão và lũ lụt thường kéo theo những nguy cơ về dịch bệnh. Theo ông, những loại bệnh nào dễ phát thành dịch ở những địa phương bị mưa lũ dài ngày?

Trong và sau mưa bão, lũ lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật lẫn vào bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Hơn nữa, mưa và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus và vật trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh cho con người. Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là các bệnh tiêu chảy do vi khuẩn E.coli, lỵ, thương hàn, tả, viên gan A; ngoài ra những bệnh về đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, đặc biệt là nguy cơ của dịch bệnh COVID-19 trong điều kiện bão lũ, thiên tai vẫn đang tiềm ẩn.

Lấy mẫu xét nghiệm PCR cho người có nguy cơ cao nhiễm COIVD-19. Ảnh: QUANG TRUNG

Tuy nhiên, đây chỉ là những bệnh thông thường, đều đã lưu hành tại địa phương trước đó. Hằng năm, những loại bệnh này đều có tồn tại tuy không bùng phát thành dịch. Những bệnh này đều rất dễ phòng bệnh và điều trị, nếu phòng bệnh tốt, phát hiện và điều trị kịp thời sẽ không gây thành dịch lớn. Hiện nay, nguồn thuốc, vật tư y tế dự trữ phục vụ cho công tác điều trị đã được đảm bảo.

Ông có những lưu ý như thế nào để hỗ trợ người dân chủ động được các loại dịch bệnh này?

Bộ Y tế đã kịp thời đưa ra nhiều khuyến cáo để người dân chủ động phòng chống các loại dịch bệnh sau mưa lụt. Mỗi loại bệnh khác nhau đều có những khuyến cáo cụ thể. Để phòng các bệnh tiêu hóa thường gặp, như tiêu chảy do vi khuẩn E. coli, tả, lỵ, thương hàn, bệnh viêm gan A…, người dân cần đảm bảo xử lý nước ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Đặc biệt, thực hiện triệt để nguyên tắc “ăn chín, uống sôi" và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo đủ nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; xử lý tốt nguồn phân, chất thải, rác thải, xác động vật chết; uống hoặc tiêm vaccine phòng bệnh khi có chỉ định đối với các bệnh đã có vaccine.

Các bệnh về mắt thường gặp là đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ… người dân có thể dự phòng bằng cách không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn, không để trẻ em tắm, chơi đùa với nước bẩn, rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, không dùng chung khăn lau, chậu rửa với người bị đau mắt đỏ và chú ý diệt ruồi; tra thuốc nhỏ mắt cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn. Với các bệnh ngoài da, như: Nấm chân, tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt… người dân hạn chế tối thiểu việc phải tiếp xúc da trực tiếp với nước tù đọng. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì ngay sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân.

Hiện nay, vấn đề chúng tôi lo lắng nhất là việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Ngoài việc vệ sinh môi trường, người dân nên chủ động dự phòng bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt kể cả ban ngày. Nếu bị sốt, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra sức khỏe. Không nên tự ý điều trị tại nhà.

Ông có thể nói rõ hơn những hoạt động đang được ngành y tế triển khai để phòng chống bệnh sốt xuất huyết?

Mặc dù sốt xuất huyết là bệnh thông thường nhưng nếu xử ý không khéo thì dễ hình thành những ổ dịch nhỏ, rồi thành ổ dịch lớn... Do vậy, ngay từ đầu mùa mưa bão, chúng tôi đã chủ động tuyên truyền, vận động và khuyến cáo người dân thau vét bọ gậy, phun khử chủ động những vùng có nguy cơ.

Sau những ngày lũ lụt vừa qua, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các địa phương vận động người dân vệ sinh môi trường quanh vườn nhà, thau vét các vật chứa để muỗi không có nơi đẻ trứng. Đồng thời, đánh giá chỉ số muỗi để có quyết định phun khử chủ động phù hợp. Những nơi ổ dịch cũ và nơi đang có bệnh nhân chưa qua 14 ngày và có lũ lụt thì tiếp tục chỉ định phun chủ động. Nhờ đó, những ngày trở lại đây, sốt xuất huyết cũng cầm chừng chứ không có tăng biến động so với trước bão lụt.

“4 tại chỗ” có ý nghĩa như thế nào trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh, thưa ông?

Trong công tác phòng chống dịch bệnh, nếu chỉ dựa vào nhân lực của ngành y tế không thì không bao giờ đủ và không bao giờ đạt được hiệu quả triệt để, mà phải dựa vào cộng đồng người dân, chính quyền và đoàn thể. Thực tế cho thấy, địa phương nào chính quyền vào cuộc thì huy động được nguồn lực dồi dào, nơi đó các vấn đề về xử lý môi trường được thực hiện nhanh và hiệu quả.

Tuy nhiên, điều chúng tôi nhận thấy là phần lớn người dân mới chủ động vệ sinh làm sạch không gian nhà ở của mình sau lũ lụt, còn rác và xác súc vật chết vẫn còn để vương vãi ở các điểm công cộng. Vấn đề này nếu được người dân chú ý hơn ngày từ khi thu gom ban đầu thì chính quyền sẽ đỡ vất vả hơn trong việc thu gom, xử lý tiếp theo.

Nằm trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, vậy tình hình thuốc điều trị và vật tư phục vụ công tác dự phòng các loại dịch bệnh của Thừa Thiên Huế có đảm bảo không, thưa ông?

Trước đây, tình trạng hay gặp phải sau lũ lụt là sự khó khăn về hóa chất xử lý môi trường. Nhưng nay nguồn hóa chất khử khuẩn được dự trữ, dự phòng cho mùa sau lũ lụt khá dồi dào. Các đơn vị có nhu cầu đến đâu, ngành y tế đều đáp ứng được đến đó. Chưa kể trước, trong và sau lũ lụt, các nguồn hỗ trợ các bộ ngành cũng đã tăng thêm nên riêng với Thừa Thiên Huế, nguồn lực về thuốc điều trị và vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ không phải lo lắng.

Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường được Bộ Y tế giao hỗ trợ Thừa Thiên Huế phòng, chống dịch bệnh. Với tình hình hiện nay, chúng ta cần Viện hỗ trợ như thế nào?

Hiện, đoàn công tác của Bộ Y tế mà đại diện là Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường y tế đang phối hợp cùng Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đánh giá cụ thể về tác động của lũ lụt đối với môi trường trước mắt cũng như lâu dài để có kế hoạch hỗ trợ. Đặc biệt là việc hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật xử lý môi trường sau lụt tại thực địa đối với những hộ gia đình đang và đã từng bị ngập lụt như ở huyện Quảng Điền.

COVID-19 đang có nguy cơ bùng phát trở lại do thời tiết. Ông có thể chia sẻ những nỗ lực phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Thừa Thiên Huế đến thời điểm này?

Đã tròn 2 tháng (3/11) Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, nhưng các hoạt động giám sát, phòng chống dịch bệnh COVID-19 vẫn được chúng tôi tiếp tục triển khai. Các yêu cầu, khuyến cáo về phòng dịch về căn bản vẫn chưa thay đổi so với trước đây. Tuy nhiên, hiện nay những trường hợp chuyên gia kỹ thuật cao vào nhập cảnh chỉ còn phải cách ly tập trung 7 ngày, sau đó tự cách ly tại nơi làm việc/nơi ở, phần nào đó cũng khiến công tác kiểm soát dịch bệnh càng phải được thực hiện chặt chẽ hơn. Để chung sống an toàn với dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới, người dân cần thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.

Xin cảm ơn ông!

ĐỒNG VĂN (Thực hiện)