Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ (bên trái) kiểm tra tình hình hoạt động của doanh nghiệp FDI

Dấu ấn

Nếu như những năm trước đây, người đến tuổi lao động trên địa bàn tỉnh đa phần chọn cách “Nam tiến” tìm kiếm việc làm thì những năm gần đây, số doanh nghiệp (DN) dệt may, DN công nghệ… từ các nước đầu tư vào Thừa thiên Huế khá lớn đã “níu chân” được các lao động địa phương.

Là DN hoạt động trên lĩnh vực may mặc thuộc Tập đoàn Scavi (Pháp), sau 12 năm có mặt tại KCN Phong Điền với hệ thống 3 nhà máy may, Scavi Huế tạo việc làm ổn định cho hơn 6.000 lao động. Nhiều lao động thay vì vào Nam tìm kiếm việc làm, thất nghiệp đã có việc làm với mức lương ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng. Các dịch vụ đi kèm cũng đóng góp quan trọng trong tạo việc làm, cải thiện đời sống người dân.

Ông Trần Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Scavi Huế cho hay, năm 2019, doanh thu của Scavi là 150 triệu USD, trong đó Scavi Huế hơn 100 triệu USD. Scavi Huế đang xây dựng nhà máy thứ 4 với mức đầu tư khoảng 85 tỷ đồng, quy mô 40 chuyền may, giải quyết việc làm cho khoảng thêm 1.000 lao động.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 112 DA FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.831 triệu USD. Giai đoạn 2016-2020 dự kiến giải quyết việc làm cho 10.000 lao động, đến cuối năm 2020, khu vực này sẽ giải quyết việc làm cho 27.000 lao động. Trong khi đó, giai đoạn 2011-2015, con số này chỉ là 1.400 lao động.

Không chỉ giải quyết việc làm, nhiều DN FDI còn đóng góp rất lớn vào ngân sách địa phương. Có thể kể đến Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam; Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam; Công ty Scavi  Huế; Công ty TNHH Baosteel Can Making Huế Việt Nam; Công ty Hữu hạn Xi măng Luks; Công ty TNHH Laguna Việt Nam...

Chỉ tính riêng DA sản xuất bia của Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam năm vừa qua đã đóng góp ngân sách tỉnh 72,6 triệu USD, chiếm 74% trong tổng thu ngân sách từ khu vực FDI và chiếm 21,4% tổng thu ngân sách toàn tỉnh, giải quyết hơn 400 lao động. DA nhà máy may của Công ty TNHH Hanesbrands (Hoa Kỳ) cũng đóng góp cho ngân sách tỉnh 1,8 triệu USD, giải quyết việc làm cho 6.388 lao động...

Theo Sở KH&ĐT, giai đoạn 2016-2020 dự kiến khu vực FDI đóng góp khoảng 446,3 triệu USD vào ngân sách, tăng 35,3% so với giai đoạn 2011-2015.

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư nhận định, giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế toàn cầu có xu hướng phục hồi. Trên địa bàn giai đoạn này cấp mới cho 53 DA mới với vốn đầu tư đăng ký là 543,7 triệu USD, trong đó đã thu hút một số DA lớn như: Hue Amusement & Beach Park (Tây Ban Nha); Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn (Hồng Kông); Nhà máy Kanglongda (Hồng Kông); Nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam (Hồng Kông).

Nổi bật trong giai đoạn này là các nhà đầu tư lớn từ Hồng Kông đã đến nghiên cứu và đầu tư tại tỉnh, với tổng số vốn 302,5 triệu USD chiếm 55,6% trong tổng vốn đăng ký giai đoạn 2016-2020. Nguyên nhân bắt nguồn từ những biến động của tình hình thế giới, nhất là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tạo nên xu hướng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.

Nắm bắt cơ hội đầu tư

Được đánh giá là quốc gia kiểm soát tốt dịch COVID- 19, trong đó Thừa Thiên Huế khống chế khá tốt dịch bệnh được xem là lợi thế cho địa phương trong thu hút đầu tư FDI, nhất là làn sóng chuyển dịch đầu tư. Hiệp định thương mại tự do EVFTA ký kết và đưa Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành điểm cho các cường quốc công nghiệp dịch chuyển nhà xưởng. Hiệp định Bảo hộ đầu tư IPA tạo điều kiện thu hút vốn FDI nhờ cam kết về an toàn vốn và tài sản cho nhà đầu tư nước ngoài. Những sự kiện trên sẽ tạo động lực quan trọng mở ra triển vọng trong thu hút đầu tư FDI.

Nói như ông Nguyễn Đại Vui: Khi chúng ta tích cực và chủ động tham gia EVFTA sẽ có lợi thế trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các DN châu Âu. Môi trường đầu tư mở hơn và thuận lợi hơn, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn. Đặc biệt là các lĩnh vực như dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến...

Nhằm đón làn sóng đầu tư mới, tỉnh đang tập trung vào các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thực hiện các giải pháp duy trì và nâng cao xếp hạng các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính như PCI, PAPI, PAR Index; triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành và địa phương cấp huyện (DDCI).

Hiện tỉnh đẩy mạnh triển khai công tác xúc tiến đầu tư năm 2020 và xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư các năm tiếp theo theo hướng tăng cường công tác thu hút đầu tư tại chỗ, hỗ trợ, đôn đốc tiến độ triển khai và kiên quyết xử lý các DA vi phạm tiến độ đầu tư. Điều chỉnh quy định trình tự, thủ tục thực hiện, giám sát, quản lý DA đầu tư và xây dựng không sử dụng vốn Nhà nước trên địa bàn tỉnh nhằm rút ngắn thời gian các thủ tục đầu tư.

“Sở đang hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các DA đã cấp chứng nhận đầu tư như DA Nhà máy Kanglongda Huế, DA Nhà máy Nakamoto Việt Nam... rà soát các tiêu chí kêu gọi đầu tư nhằm lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng, thương hiệu. Đồng thời, rà soát các DA vướng mắc còn tồn đọng trên địa bàn, chỉ đạo giải quyết dứt điểm để tạo điều kiện thi công, hoàn thành các DA nhằm khai thác hiệu quả nguồn vốn đầu tư”, ông Vui chia sẻ.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN