Bánh bột mì, món ngon ngày mưa. Ảnh: HẠ AN

Nhưng năm nay “mất mùa” dữ quá, gió mưa, bão lụt cứ liên tục, những câu hỏi đặt ra để lấp cái bụng đói của chúng bạn nay dời địa điểm vào gian bếp trong nhà, hoặc đặt hàng trên mạng. Mấy lúc này, bánh bột mì chiên, bánh chuối, bánh nổ là những lựa chọn không bao giờ vắng mặt…

Ngay từ đợt có thông báo giãn cách xã hội do dịch, việc tìm mua bột mì ở các cửa hàng tạp hóa đã đôi phần khó khăn, nhưng vẫn chưa là gì khi hai cơn bão số 5, Molave và cả đợt mưa lũ dài ngày ập tới, cuốn đi cả nhà cửa, ruộng vườn và chắc phải “hốt luôn” mấy tạ bột mì của các tiệm tạp hóa gộp lại. Tôi nhớ mình đã đội mưa đi 3-4 cửa tiệm thì khóe miệng mới nhếch lên được khi cô chủ báo “Ừ vẫn còn bột con à”. Đấy mới thấy, sức công phá của bột mì trong những ngày giãn cách và tránh bão, hay thậm chí chỉ đơn giản là trong những ngày đông qua lớn cỡ nào.

Thường trực với những nỗi lo vô hình về vẻ ngoài như các bạn nữ khác, tôi chắc đã mấy mùa không thưởng chiếc bánh bột mì chiên nào vào bụng, nhưng dạo này màn hình điện thoại cứ líp chíp báo hiệu liên tục mấy cập nhật của lũ bạn. Ngày trước, phải mở toang cửa mới ngửi thấy mùi khói thơm của bột mì, quyện với đường và trứng vừa chín tới trên bếp chảo của nhà hàng xóm, thì ngay lúc này, những hình ảnh trực quan sống động cứ thế ập vào mắt. Cỡ nào mà chống chọi nổi? Nhiều hôm sau 2, 3 đợt chiên bánh liên tục đã phải tự dặn lòng rằng “Mình thật ra cũng chẳng ham, nhưng phải trải qua cái cảnh chảo dầu nóng hổi xèo xèo và bên cạnh khung cửa mưa tí tách rơi hoài rơi để biết đang mùa mưa ở Huế”. Là tôi tự trấn an mình như vậy.

Nổ bánh và ăn bánh nổ là thú vui của nhiều người. Ảnh minh họa: MỸ NGA

Với tần suất lũ bạn đăng tin trên mạng và rằng cứ 2-3 ngày nhà mình lại hết cân bột, tôi áng chừng cứ 10 nhà phải 11 nhà dần bỏ qua mì gói, phở gói để chọn bột mì làm thức ăn cho mùa lạnh. Riêng mình, cứ nghe tiếng xèo xèo trên bếp lửa, tôi chợt nhớ về những ngày lụt 99, hồi mình mới còn 3-4 tuổi. Kỳ thực là những ký ức cách mãi mười mấy năm nay đã không còn rõ ràng và chính xác, nhưng tôi vẫn mang máng nhớ về hình ảnh ông ngoại hồi chưa đi xa đã đón một người anh chẳng hề quen biết bị mắc kẹt bởi nước lũ ở lại nhà. Tên, tuổi, khuôn mặt của người đó đã mờ nhòe hết cả, đến hình dáng của bản thân nếu không có ảnh lưu lại, tôi cũng chẳng nhớ thời đó mình như thế nào. Nhưng hình ảnh dĩa bánh bột mì đổ bóng cạnh cây nến hồng dài cứ hoài mãi theo mùi ngậy của bột văng vẳng lên như vậy. Có ông ngoại, có tất cả mọi người.

Sau ngần ấy năm cải tiến, bánh bột mì truyền thống mà mẹ, mà bà thường làm ở nhà nay được nâng cấp lên với đủ loại nhân khoai, chuối, kim chi, hành hẹ, hải sản... với nhiều hình thù, kích cỡ. Mốt bánh chuối chiên mấy chị “thỉnh” từ Sài Gòn về từ mấy năm trước như chỉ đợi mùa đông là phổ biến lại. Điều này được minh chứng rõ nhất khi chị Yến, chủ một xe bánh chuối đắt khách trên đường Trần Phú chia sẻ: “Có những ngày chị đứng muốn rã chân trước chảo dầu đó em. Chồng  chị thì lột vỏ chuối, ép chuối, pha bột miết. Những ngày mưa, lạnh có thể bán đến mấy chục buồng chuối mới đủ để phục vụ khách”. Tôi nghe là dạ liền, bởi chính mình cũng đang là một trong những vị khách xếp trước gánh hàng của chị, nhiệt tình tiêu thụ hết rổ chuối chín vàng, quết cùng lớp bột mì chiên vàng dòn rụm. Cứ đến mùa này, nhiều cung đường như Bà Triệu, Mai Thúc Loan phải có đến 5-6 tiệm bánh sát nhau và đều đông khách. Những biến thể của bánh bột mì giờ được nâng cấp lên, từ nhà ra cửa ngõ, từ gánh xe hàng cho đến trong các cửa tiệm đều có cả và đều được lòng các thực khách khi mùa đông lạnh đến gần.

Rồi đó chỉ là câu chuyện thường nhật của mấy bạn ở phố. Đi xa một chút, ngoài món ăn vặt từ bột mì, dễ mà thấy cảnh nhà này, nhà kia chuẩn bị sẵn gạo, mì tôm, hạt, đường các loại để làm bánh nổ. Tôi chưa được tận mắt thấy xe làm bánh nổ hoạt động thế nào, chỉ nghe cô bạn bảo “Máy nổ tiếng to lắm. Họ bỏ gạo với đồ rứa vô em nhờ, xong cái máy hắn rè rè là bánh ra ở đầu kia, họ cắt thành khúc là ăn được đó. Mỗi nhà chỉ cần 2kg gạo và một số nguyên liệu khác nếu muốn là ra cả bao tải. Ăn bưa á lẩn”. Tôi nghe tiếng Huế dễ thương quá chừng, thế là hăng hái lên Youtube tìm xem thử và ú à mấy đợt khi trong tay vẫn đầy ắp bánh nổ đã mua sẵn trên mạng.

Dạo này thứ gì cũng có. Bánh nổ của chị Chi ở nhà giới thiệu là có gạo này, mì tôm này, đậu xanh này và một chút đường để bánh hạn chế không bị cứng giờ còn có phiên bản nâng cấp hơn, với toàn là ngũ cốc, gạo lức huyết rồng, hạt sen, đậu phộng… cũng được yêu thích không kém. Chị Mỹ Nga, chủ Facebook Su Hào chuyên kinh doanh bánh nổ ngũ cốc cũng nhiệt tình chia sẻ ngày lạnh và mưa món này chạy hàng dữ lắm, mỗi tháng làm tầm 400kg bánh nổ mới đủ. Nhiều năm trước, bánh nổ ít thịnh hơn, nhưng giờ dễ mà thấy món ăn này được bày bán nhiều ở các cửa tiệm hay các cung đường lớn nhỏ. Người ăn vì món này đang hot trở lại, người khác thì đòi hỏi vui miệng nhưng đảm bảo dinh dưỡng và những người bán “bánh nổ cao cấp” như chị Mỹ Nga thì lại xem đây là một công việc phụ thêm và chị cũng thỏ thẻ rằng đang hướng đến biến món này thành quà quê dân dã cho khách du lịch…

Tôi không đánh giá nhiều về những ý tưởng của chị vì đã tự hướng mình trở thành khách hàng thân thiện nên cứ mua ăn miết. Vả lại, lũ bạn qua mạng lại đang réo gọi “Tau đợi trời mưa to chút, như trút nước rứa, được đà mà cúp điện nữa thì ăn bánh bột mì, bánh chuối, bánh nổ thì thôi rồi bây hỉ!”. Tôi chặn đứng liền “Bây nói ngó ác! Mưa chi cho trôi nhà trôi cửa! Tội. Mưa lâm râm nơi rồi. Xuống mà làm ăn đi. Trời đang vào mưa rồi đó”.

HẠ AN