Ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh

Thời gian qua, nhiều chính sách dân tộc đã được tiếp thu, thể hiện trong dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đáng chú ý là quan điểm về không ngừng nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), hoàn thiện các chính sách, phát huy tiềm năng, thế mạnh và khát vọng vươn lên của đồng bào các DTTS... Song, tôi cũng mong muốn dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, nhất là dự thảo Báo cáo chính trị trình đại hội sẽ nêu bật được vị trí, vai trò và tạo điều kiện để vùng đồng bào các DTTS thực sự là một nguồn lực quan trọng, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển bền vững đất nước.

Sau gần 35 năm đổi mới, đời sống đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng so với cả nước. Tại Đại hội lần này, cần thiết phải xác định chênh lệch khoảng cách phát triển là một trong những nguy cơ, thách thức cơ bản. 

Có nhiều ý kiến của đại biểu đại diện cho các DTTS trên địa bàn tỉnh cho rằng, trong dự thảo văn kiện, phần đề cập đến vùng DTTS còn ít. Một số vấn đề như thành phần dân tộc, quan hệ dân tộc, các nhiệm vụ trọng tâm chưa được thể hiện rõ, chưa có tính  đột phá.

Trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cần xác định giải pháp đột phá cho giai đoạn mới về chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS theo hướng chuyển từ “xóa nghèo bền vững” sang “làm giàu”. Cần quan niệm đồng bào DTTS là đối tác phát triển của quốc gia, không phải đối tượng hỗ trợ. Cần ưu tiên đầu tư cho vùng DTTS và miền núi, nhất là đầu tư phát triển nguồn nhân lực.

Tôi kỳ vọng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ đề ra những chủ trương, quyết sách chú trọng phát huy các lợi thế so sánh của vùng đồng bào DTTS, miền núi như về đất đai, tài nguyên, về tiềm năng phát triển cây công nghiệp, kinh tế rừng, công nghiệp chế biến gỗ... Có chính sách thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nhà đầu tư trực tiếp hoặc liên kết sản xuất kinh doanh; khuyến khích đầu tư vốn theo hình thức liên kết sản xuất với đồng bào ở địa bàn miền núi trong phát triển kinh tế rừng, trồng cây công nghiệp. Phát huy mọi tiềm lực và lợi thế của miền núi để tiếp tục xây dựng phát triển công nghiệp chế biến gắn với phát triển dịch vụ và du lịch theo hướng bền vững, đảm bảo ngày càng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế ở vùng DTTS, miền núi.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, cần tập trung nguồn lực, lồng ghép các chương trình, hợp phần dự án cho vùng DTTS vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Có sự phân định rạch ròi và gắn kết hữu cơ giữa vùng kinh tế có tiềm năng và vùng kinh tế khó khăn ở khu vực đồng bào DTTS. Trên cơ sở này để có định hướng hoàn thiện cơ chế chính sách, giải pháp phát huy lợi thế của từng vùng, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, đa dạng về ngành nghề và trình độ phát triển.

Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa các địa phương vùng đồng bào DTTS, xây dựng cơ chế điều phối liên kết vùng để phát huy lợi thế ở mỗi địa phương và tạo chuỗi liên kết giá trị, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trong thời kỳ hội nhập.

Bá Trí (lược ghi)