Lấy phiếu tín nhiệm là công việc hệ trọng, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới hoạt động của các cơ quan dân cử. Đây là lần thứ hai Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, với số lượng chức danh được lấy phiếu tín nhiệm nhiều hơn lần thứ nhất 3 đại biểu. Việc lấy phiếu tín nhiệm trước hết là nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Qua mức độ tín nhiệm, giúp những người này nhìn lại mình một cách khách quan, có biện pháp phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của mình.

Tác động rõ nhất sau lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên cách đây hơn 1 năm (tháng 6-2013), một số lĩnh vực nóng như ngân hàng, giao thông vận tải, công thương là có nhiều chuyển biến rõ rệt. Số phiếu tín nhiệm cao đối “tư lệnh” các ngành này trước hết là sự ghi nhận đối với những nỗ lực của chính bản thân họ trên cơ sở kết quả ngành đã đạt được. Đối với “tư lệnh” một số ngành chưa được tín nhiệm cao nhiều, như y tế, giáo dục không phải là họ không nỗ lực, nhưng rõ ràng chuyển biến của ngành chưa mạnh. Trách nhiệm này trước hết thuộc về người đứng đầu các bộ ngành đó. Tất nhiên, đối với những tồn tại lưu cữu của những ngành này không thể một sớm một chiều giải quyết được, nhưng rất cần có sự đột phá hiệu quả. Trong thời gian tới, nếu họ thực sự hết lòng hết sức, công tâm vì công việc, tin chắc các đại biểu sẽ sáng suốt nhìn nhận và đánh giá khách quan.

Ở góc độ khác, với những người tham gia bỏ phiếu tín nhiệm, họ là đại diện của nhân dân, thay mặt nhân dân giám sát và đánh giá mức độ tín nhiệm đối với những người được giao những trọng trách lãnh đạo đất nước, địa phương. Vì vậy, trách nhiệm của họ là phải giám sát chặt chẽ người được lấy phiếu tín nhiệm và thận trọng, khách quan, công tâm, công bằng khi bỏ phiếu. Để làm tốt công việc này, ngoài việc thường xuyên tăng cường hoạt động trên diễn đàn Quốc hội, nắm bắt thông tin từ nhiều nguồn, các đại biểu cần thường xuyên gần gũi, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân. 

Tại Thừa Thiên Huế, kỳ họp lần thứ 6, HĐND tỉnh khóa VI (tháng 7-2013) cũng đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 15 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu, gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực HĐND và Trưởng các ban của HĐND tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên của UBND tỉnh. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng được công khai. Tuy có người có số phiếu tín nhiệm cao nhiều, có người còn thấp, nhưng tất cả đều được tín nhiệm cao và tín nhiệm vượt 50% số phiếu. Từ đó đến nay đã hơn 1 năm, sắp tới HĐND tỉnh cũng cần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai để kịp thời động viên sự nỗ lực, chuyển biến của từng người, giúp họ hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao.

Hoàng Giang