Hơn 100 sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm đã tham gia diễn đàn.

Thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam thật sự nóng lên từ năm 2006. Bình quân tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính hằng năm của các nước trên đây chỉ từ 0,4% đến 0,5%, nhưng ở Việt Nam ngay từ những năm đầu tiên xuất hiện thực trạng này, tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh đã lên cao bất thường, từ 1% đến 1,5%.

Quy luật gia tăng tỷ lệ mất cân bằng giới tính ở Việt Nam cũng giống các nước khác. Đó là xuất hiện vào giai đoạn xã hội nở rộ các dịch vụ siêu âm, mở rộng các dịch vụ hành nghề y tế tư nhân và thuận tiện, dễ dàng trong nạo phá thai.

BSCKII. Phan Đăng Tâm chia sẻ thông tin sức khỏe sinh sản với sinh viên

Theo số liệu của Chi cục Dân số - KHHHGĐ tỉnh Thừa Thiên Huế, 103 bé trai/107 bé gái là tỉ lệ giới tính bình thường. Nhưng tại thời điểm năm 2019, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam có tỷ lệ là 111,5 bé trai/100 bé gái; trong khi, tại Thừa Thiên Huế, tỷ lệ đó cao hơn, là 112,8/100.

Có ba nhóm nguyên nhân cốt lõi của việc mất cân bằng giới tính khi sinh, gồm: Tâm lý ưa thích con trai trong xã hội; ảnh hưởng từ giảm sinh và tác động của các yếu tố kinh tế, phúc lợi xã hội; sự phát triển của các dịch vụ y tế hiện đại, các điều kiện chẩn đoán giới tính trước sinh và phá thai chọn lọc giới tính.

Tại diễn đàn truyền thông “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, Chi cục Dân số - KHHHGD đã cung cấp cho sinh viên những câu chuyện thú vị, gần gũi và thiết thực liên quan đến sức khỏe sinh sản; thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và hệ quả của nó đối với xã hội và chính bản thân người phụ nữ.

Ngay tại diễn đàn, thông qua trò chơi trắc nghiệm nhanh về sức khỏe sinh sản và mất cân bằng giới tính khi sinh, sinh viên đã củng cố được nhận thức của bản thân về lĩnh vực này. Đồng thời, được trang bị thêm các kỹ năng bảo vệ sức khỏe sinh sản trước ngưỡng cửa vào đời.

Chia sẻ về cảm nhận của mình, sinh viên Hoàng Tường Vy vui vẻ: “Ban đầu em còn nghĩ diễn đàn là hoạt động khô khan, không hấp dẫn, nhưng cuối cùng lại toàn là những thông tin dễ hiểu và rất gần gũi. Có những thông tin em nghĩ mình đã đúng nhưng hóa ra lại chưa đúng và chưa thực sự đầy đủ. Qua hoạt động này, em không chỉ được hiểu đúng hơn về bình đẳng giới, mà còn có thể tự tin hơn để tự bảo vệ sức khỏe sinh sản cho mình”.  

Tin,  ảnh: Đồng Văn