Mọi hoạt động liên quan đến CNTT đều được đảm bảo thông suốt nhờ hạ tầng kiến trúc ICT tốt

Hạ tầng đảm bảo

Không chỉ thông tin liên lạc thông suốt, ngay cả cập nhật internet hay tiếp cận các dịch vụ thông minh, mỗi người chỉ cần một cái chạm tay vào ứng dụng trên smartphone hay một cú nhấp chuột trên máy tính là có thể thỏa sức gia nhập vào thế giới mạng mọi lúc mọi nơi. Tiện ích này không phải ngẫu nhiên mà nhờ Thừa Thiên Huế đang có một hạ tầng viễn thông và thông tin phát triển, phủ kín và phù hợp với không gian phát triển đô thị của tỉnh.

Theo đánh giá của ông Hoàng Bảo Hùng, Giám đốc Trung tâm CNTT tỉnh (HueCIT), hạ tầng kiến trúc về CNTT và truyền thông (ICT) của Huế hiện đang xếp trong tốp 20 tỉnh, thành phố tốt nhất của Việt Nam. Thứ nhất là hạ tầng ngầm về viễn thông được đầu tư rất tốt, trong đó điển hình có DN VNPT và Viettel. Thứ hai là hệ thống cáp quang đã đưa về tận xã, phường từ năm 2012, nên dịch vụ internet và các dịch vụ về hạ tầng quang có thể 5 năm tới, tất cả các DN viễn thông đảm bảo 100%. Thứ ba là hạ tầng IoT (internet vạn vật) rất dễ triển khai để phát triển dựa trên hạ tầng viễn thông hiện có được phủ quang về tận xã. Đối với các khu CNTT và khu công nghệ cao của tỉnh được quy hoạch nằm ở vùng đồng bằng lại càng thuận lợi khi hệ thống cáp quang được phủ tận nơi và đường cáp của hệ thống mặt trục quốc gia đi qua.

Một thuận tiện cho Huế trong phát triển hạ tầng ICT là cổng cáp biển, cáp bờ nằm ở Đà Nẵng, rất gần Huế. Sau này khi Thừa Thiên Huế triển khai các đường cáp quang đi quốc tế sẽ rất thuận lợi, kể cả chiến lược tiếp cận với các thành phố thông minh trên thế giới về các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch... rất khả thi.

Đại diện ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khẳng định, kiến trúc ICT của Thừa Thiên Huế cơ bản hoàn thiện và phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh. Trên cơ sở nghiên cứu kiến trúc 2.0 của Chính phủ, đánh giá thực tiễn tình hình ở Thừa Thiên Huế và tổng kết công tác phát triển CNTT, tỉnh đã xây dựng và ban hành kiến trúc chính quyền điện tử 2.0 của Huế.

Hạ tầng kiến trúc ICT tốt giúp địa phương điều chỉnh việc triển khai ứng dụng CNTT; cơ sở để triển khai các dự án CNTT đảm bảo đúng định hướng và hiệu quả, giảm lãng phí, hao phí về nguồn lực, vật lực, sức lực bằng việc xác định được các mối quan hệ trong các ứng dụng, nhất là trong các quan hệ chuỗi cơ sở dữ liệu, tránh phân tán và khắc phục được tình trạng mỗi ngành đều phải xây dựng cơ sở dữ liệu khi đã có một ngành đủ điều kiện dùng chung cho tất cả các ngành.

Hệ sinh thái thông minh

Thừa Thiên Huế đang sở hữu nhiều trung tâm ứng dụng, sản xuất trong lĩnh vực CNTT tiềm năng cũng như những DN CNTT mạnh về kinh nghiệm và nguồn lực, vừa tạo sản phẩm kết hợp là những vườn ươm công nghệ cho tỉnh. Trung tâm Học liệu thuộc Đại học Huế là một trong những thư viện điện tử hiện đại nhất ở Việt Nam. Thư viện Tổng hợp tỉnh là một trong những thư viện có nguồn lực thông tin lớn nhất trong các thư viện cấp tỉnh trong cả nước. Những trung tâm nghiên cứu và triển khai ứng dụng CNTT vào sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả cao, như các viện nghiên cứu và các trường đại học trên địa bàn. HueCIT với những sản phẩm chiến lược phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và ĐTTM.

Sản phẩm của ĐTTM rất nhiều. Trong đó nổi bật là sự vận hành hiệu quả của HueIOC. Nhưng tham vọng xa hơn của chính quyền là đến năm 2025, Thừa Thiên Huế tiếp cận với các thành phố thông minh hiện đại trong khu vực và trên thế giới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và du lịch. Để làm được điều này, nhiều hệ sinh thái thông minh trong các ngành, các lĩnh vực đang được xây dựng và kết nối.

Đối với ngành y tế, mục tiêu hướng đến trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước, nâng cao chất lượng phục vụ khám chữa bệnh cho toàn dân đang thúc đẩy ngành triển khai hệ sinh thái y tế thông minh giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Đến nay, việc triển khai tạo lập và quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân trên địa bàn tỉnh đạt trên 99% người dân có mã số hồ sơ sức khỏe điện tử. Sắp tới sẽ có thêm nhiều dịch vụ tiện ích hơn nhằm đơn giản hóa, hiện đại hóa việc thanh toán viện phí, khám chữa bệnh... tích hợp để phục vụ người dân.

Một số dịch vụ cơ bản về giao thông thông minh, như: giám sát vi phạm an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội, tổng hợp thống kê số liệu phục vụ việc quy hoạch và phát triển ngành giao thông đang được triển khai và dần được tích hợp vào ĐTTM.

Lĩnh vực môi trường cũng có một số dịch vụ cơ bản về môi trường thông minh, như: giám sát chất lượng nước, không khí tại các điểm đông dân cư, khu công nghiệp; giám sát hệ thống hồ thủy điện, các điểm ngập lụt hỗ trợ trong việc phòng chống bão lụt, các kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu...

Theo Giám đốc Sở TT&TT, việc xây dựng trung tâm điều hành thông minh từng ngành, lĩnh vực theo cấp hợp lý là rất cần thiết. Mô hình điều hành của HueIOC sẽ hỗ trợ đắc lực cho các ngành khi xây dựng trung tâm này. Mỗi ngành chỉ cần đầu tư thêm trang thiết bị vật chất đủ đáp ứng cho công tác điều hành trên nền tảng sử dụng lại các ứng dụng của HueIOC, cơ sở dữ liệu đã được kết nối tích hợp và nghiệp vụ của HueIOC để hỗ trợ cho ngành. Khi mỗi ngành xây dựng trung tâm điều hành thông minh không cần đầu tư hạ tầng lõi, phần mềm, nghiệp vụ (đã được chuẩn hoá), cơ sở dữ liệu (đã được kết nối) mà chỉ cần đầu tư hệ thống màn hình, thiết bị máy, phương thức kết nối nhận dữ liệu từ HueIOC về để điều hành.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Kỳ 3: Làm giàu và sang từ công nghệ số