Bà Cúc hơn 30 năm theo nghề
Không ở nơi góc chợ như những thợ dán áo mưa “chính hiệu”, hàng chục năm nay bà Cúc may dán áo mưa tại mình. Với thợ dán áo mưa, việc của họ là sửa những chỗ lủng, hỏng. Nhưng với người phụ nữ sinh năm 1965 này, nghề của bà là làm ra một chiếc áo mưa hoàn chỉnh.
Bà Cúc kể: “Duyên nghề của tôi lạ lắm, vì lúc còn trẻ, tôi lên phố để học nghề thợ may chứ chẳng phải nghề này. Ở lại nhà người quen, phụ làm riết tôi cũng quen tay nghề. Chính họ đã dạy tôi dán áo mưa, có ngày làm đến một, hai giờ sáng”. Siêng năng, tháo vát, bà Cúc dần nắm vững những bí quyết của nghề. Trở về làng, “gia sản” của bà chỉ có duy nhất một chiếc dũa và kiến thức nghề (cả nghề may và làm áo mưa).
Lập nghiệp từ năm 1986 đến nay, nghề làm áo mưa đã cùng gia đình bà cùng vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn. Nhờ nghề may, bà có thể định dạng phông áo mưa tùy từng đối tượng, từ đó cắt theo tỷ lệ. Bà kể: “Đo áo mưa dễ hơn trang phục thường vì không cần quá sát sao. Quan trọng nhất là ước lượng chiều cao, cân nặng để cắt vải dầu áo mưa”. Vì thế, nhiều khách đặt hàng bà Cúc không cần đến trực tiếp, qua điện thoại, họ chỉ cần nêu sơ bộ về dáng vóc là đã có bộ áo mưa ưng ý.
Mỗi chiếc áo mưa từ đo, cắt, dán, vào tay, vào cổ, đóng nút…mất tầm 2 tiếng đồng hồ. Trong đó, khâu quan trọng nhất quyết định chất lượng áo mưa đó là dán vải dầu. Bà Cúc bật mí: “Cái này phụ thuộc vào tay nghề, phải ước lượng nhiệt của mối hàn để vải dầu “quyện” vào nhau. Nguội quá mối nối sẽ hở, nóng quá sẽ cháy vải dầu, dù có giấy dầu gương chống cháy cũng sẽ bị khét. Hơn nữa mũi hàn cũng được tôi thiết kế cho phù hợp với việc này”.
Chiếc dũa được bà mang về từ hơn 30 năm trước vẫn còn vẹn nguyên những đường sọc. Trên chiếc dũa ấy, mỗi năm có hơn 100 bộ áo mưa ra đời. Có lẽ với áo mưa bà Cúc, những đường vân trên chiếc dũa hằn lên mối hàn chính là “mã vạch” mà không sản phẩm nào có được. Mối nối hàn một đường kẻ đặc trưng, đều đặn, nhỏ nhắn và theo lời bà Cúc, phải như vậy mới đẹp và là của mình.
Đáp ứng đủ mọi nhu cầu, bà Cúc làm áo mưa với nhiều loại như áo mưa dơi, áo mưa "tròng đầu", áo mưa bộ. Đặt biệt sau khi dịch COVID – 19 bùng phát, bà cho ra đời thêm áo mưa kết hợp khẩu trang vô cùng độc đáo. Áo mưa trẻ em và người lớn đều có giá cả phải chăng, dao động từ 55 – 140 nghìn đồng/cái tùy loại, chất liệu vải. Mỗi năm bà Cúc làm hơn 100 chiếc áo mưa, thu nhập phụ thêm vào quán cà phê nhỏ đủ để gia đình có cuộc sống ổn định.
Cạnh bà Cúc, chồng bà và cô con gái người đơm khuy nút, người luồn dây chun, dây rút. Họ không vội vã, vì mỗi quy trình để tạo ra chiếc áo mưa đều phải tỉ mỉ, cẩn thận. Áo mưa bà Cúc cũng lặng lẽ hàng chục năm như thế,.
Bài, ảnh: Mai Huế